Từ việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân xóm Quẫn, xã Tân Đức (Phú Bình) đã biến mảnh đất cằn cỗi, nghèo khó ngày nào trở nên trù phú và no ấm bởi những bãi sắn dây, đồi cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.
Đi dọc con đường bê tông trải dài đến từng ngõ nhỏ của xóm Quẫn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà con nông dân miệt mài cắt, tỉa, thu hoạch những trái ổi, chanh đào... bán cho các thương lái. Vào gia đình ông Trịnh Văn Viễn, một hộ dân trồng ổi, chanh đào trong xóm, chúng tôi được dẫn đi thăm vườn ổi trĩu trịt quả. Ông Trịnh Văn Viễn chia sẻ: Tháng 3-2015, tôi đã quyết định phá bỏ toàn bộ cây keo chuyển sang trồng hơn 400 gốc chanh đào và gần 100 gốc ổi lai lê... Hiện nay, chanh, ổi đang bắt đầu cho thu hoạch. Tôi dự tính có thể thu được hơn 5 tạ ổi và xấp xỉ 3 tạ chanh đào. Với giá hiện nay, số chanh, ổi sẽ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Không chỉ có ổi và chanh đào, nhận thấy cây sắn dây phù hợp với đất đồi bãi của xóm nên nhiều người dân đã đưa loại cây này về trồng thay thế cho cây keo, cây sắn. Hiện, toàn xóm có trên 30 hộ dân tham gia trồng sắn dây, với tổng diện tích trên 5ha. Theo đánh giá của người dân thì sắn dây là loại cây trồng ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc và cho năng suất cao khi được trồng trên đất đồi, bãi. Một sào đất, bà con có thể trồng được 17 gốc sắn dây, mỗi gốc cho thu hoạch khoảng 90-100kg củ tươi. Hầu hết, sắn dây sau khi thu hoạch đều được bà con trong xóm chế biến thành bột và bán cho các tư thương ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội. Với giá bán bình quân từ 100-120 nghìn đồng/kg sắn dây thành phẩm, một sào cho thu nhập trên 20 triệu đồng, trừ mọi chi phí, người dân thu lãi 15 triệu đồng (cao hơn gấp 10 lần so với trồng sắn). Là người tiên phong đưa cây sắn dây vào trồng tại xóm, anh Trịnh Xuân Vui cho biết: Từ 24 gốc sắn dây đưa từ tỉnh Hải Dương vào trồng thử nghiệm năm 2010, đến nay, tôi đã nhân rộng lên hơn 200 gốc. Bình quân, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ mọi chi phí thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn làm hom giống cung cấp cây giống cho bà con trong xóm và một số vùng lân cận.
Xóm Quẫn hiện có 150 hộ dân và 600 nhân khẩu. Diện tích đất nông nghiệp trên 17ha, trước đây trên phần diện tích này bà con chủ yếu là cấy lúa và trồng một số cây hoa màu như: ngô, đỗ, lạc, khoai lang. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất này đưa các loại cây ăn quả như: bưởi diễn, táo, ổi, chanh đào... vào trồng với diện tích gần10ha. Qua quá trình chăm sóc, nhận thấy các loại cây này sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và thị trường tiêu thụ ổn định nên hiện nay, bà con vẫn đang tiếp tục nhân rộng. Anh Trần Văn Nghĩa, Trưởng xóm Quẫn cũng cho biết: Dự kiến sau năm 2018, diện tích cây ăn quả của xóm sẽ tăng lên khoảng 5ha. Bởi hiện nay, người dân ngoài việc tận dụng triệt để diện tích đất vườn đồi còn chủ động chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả với các giống mới như: bưởi đào đường, chanh 3 lá…
Từ những cây trồng thế mạnh là sắn dây và cây ăn quả, đời sống của người dân xóm Quẫn ngày càng nâng lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm xuống còn 0,8% (năm 2011 là 15%); thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2014); 100% người dân được sử dụng điện lưới Quốc gia và có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc... Cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, bà con còn bảo nhau đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa và nâng cấp các công trình công cộng...
Theo ông Dương Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tân Đức thì trong khoảng 3 năm trở lại đây, xóm Quẫn là một trong những xóm đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương với các mô hình trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao. Để khuyến khích người dân phát triển sản xuất, thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện để bà con được tiếp cận với các nguồn vốn vay; tuyên truyền, vận động bà con tích cực đưa cây, con giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi...