Bài học từ vụ trồng quế ở Định Hóa

10:46, 31/08/2016

Chưa bao giờ diện tích cây quế mới trồng trên địa bàn huyện Định Hóa lại có tỷ lệ sống thấp như năm nay. Gần 200ha trong tổng số 674,98ha quế ((mỗi ha trồng 5.000 cây) mới trồng bị chết (chiếm tỷ lệ khoảng 30%) đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân chính được xác định là do cơ quan chuyên môn của huyện đã khuyến cáo người dân trồng quế vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm, trong khi cây quế là loài cây ưa bóng râm. Đây là bài học cần được huyện Định Hóa nghiêm túc rút kinh nghiệm cho những vụ trồng quế tiếp theo.

Năm 2016, xã Tân Thịnh là địa phương có diện tích trồng quế nhiều nhất của huyện Định Hóa với trên 143ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích cây quế mới trồng còn lại của xã chỉ khoảng 90ha. Ông Hoàng Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh thông tin: Tỷ lệ cây quế mới trồng trên địa bàn xã bị chết trung bình khoảng 40%, có những hộ tỷ lệ cây chết lên đến 70-80%. Hiện tượng cây quế mới trồng bị chết hàng loạt khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi tìm đến gia đình anh Bùi Công Toàn, xóm Làng Hóa, xã Tân Thịnh. Dẫn chúng tôi đi thăm đồi quế mới trồng, anh Toàn xót xa: “Tôi mới trồng được 1ha thì chết mất hơn 60%. Cán bộ Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cấp cây giống xong hướng dẫn chúng tôi phải trồng ngay trong tháng 5 và tháng 6 để còn nghiệm thu vào tháng 9. Thời điểm đó, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ 39-40 độ C thì cây quế làm sao sống nổi”. Anh Toàn cho biết thêm: Với 1ha quế, gia đình tôi phải thuê người trồng mất gần 20 triệu đồng, nay quế chết lại phải thuê người trồng dặm. Cứ thế này chắc sang năm gia đình tôi không dám trồng nữa. Gia đình bà Trần Thị Thảo, xóm Thịnh Mỹ 1 cũng trong tình cảnh tương tự. Năm nay, gia đình bà đăng ký trồng 2ha quế nhưng khi mới trồng được 1ha thì phát hiện tỷ lệ cây chết tới hơn 80% nên không dám trồng tiếp. Bà Thảo cho biết: “Lúc mới trồng thời tiết rất nắng nóng nhưng cán bộ hướng dẫn thời vụ như vậy thì mình phải làm theo thôi. Nếu không trồng đúng thời vụ thì sợ sau này cán bộ không nghiệm thu cho mình”.

 

Tình trạng cây quế mới trồng bị chết không chỉ xảy ra ở xã Tân Thịnh mà còn ở khắp các địa phương khác trên địa bàn huyện như: Quy Kỳ, Linh Thông, Lam Vỹ, Bảo Cường, Kim Sơn, Bảo Linh, Phúc Chu, Phượng Tiến… Theo thống kê sơ bộ, diện tích cây quế bị chết chiếm khoảng 30% trong tổng số 674,98ha quế mới trồng mới năm 2016.

 

Theo anh Trần Văn Đức, Phó Trưởng ban Lâm nghiệp xã Quy Kỳ thì đặc tính của cây quế là loài ưu bóng râm nên thời vụ trồng thích hợp nhất là vào khoảng tháng 2-3 hoặc tháng 9-10 dương lịch khi thời tiết râm mát, nhiều mưa. Tuy nhiên, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa lại khuyến cáo người dân trồng quế vào thời điểm tháng 5,6 khi thời tiết nắng nóng là không hợp lý. Mặt khác, do cây giống được đưa từ Yên Bái về địa phương, trải qua quãng đường vận chuyển rất xa trong khi bầu cây giống không có đáy nên nhiều cây bị long bầu dẫn đến tỷ lệ sống đạt thấp.

 

Qua tìm hiểu được biết, cây quế đã được người dân Định Hóa đưa vào trồng tại địa phương từ nhiều năm qua. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Nhằm đưa cây quế trở thành cây trồng thế mạnh góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2015, huyện Định Hóa đã triển khai thí điểm Dự án trồng xen cây quế vào diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất với diện tích khoảng 100ha tại một số xã trên địa bàn huyện. Kết quả bước đầu mang lại rất khả quan, tỷ lệ cây sống đạt gần 90%. Trên cơ sở đó, năm 2016, huyện đã tiếp tục triển khai Dự án trên quy mô toàn huyện và giao cho Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa làm chủ đầu tư thực hiện Dự án. Huyện cũng đã trích ngân sách trên 1,9 tỷ đồng, trong đó trên 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua cây giống.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Với trách nhiệm được giao làm chủ đầu tư Dự án, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tổ chức 29 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế cho trên 1.600 người dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân trồng quế đúng khung thời vụ theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên, do không lường trước được diễn biến bất thường của thời tiết. Vào thời điểm cuối tháng 5 - đầu tháng 6, người dân trồng quế xong thì thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến nhiều diện tích bị chết. Mặt khác, do chưa chủ động được nguồn cây giống tại địa phương nên hầu hết cây giống phải nhập từ Yên Bái, trải qua quãng đường vận chuyển xa khiến cho chất lượng cây giống bị ảnh hưởng. Trong quá trình thực hiện Dự án, chúng tôi cũng chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra nên nhiều hộ gia đình đã không tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật được hướng dẫn…Việc cây quế bị chết đã được chúng tôi báo cáo với lãnh đạo UBND huyện và xin nhận hoàn toàn trách nhiệm. Từ năm sau, chúng tôi sẽ cố gắng chủ động nguồn cây giống tại địa phương, đồng thời, nghiên cứu để điều chỉnh thời vụ trồng quế sao cho phù hợp.

 

Về vấn đề này, ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Hiện nay, UBND huyện đã giao cho cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã thống kê lại toàn bộ diện tích cây quế bị chết để có phương án xử lý. Trước mắt, huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí để người dân mua cây giống trồng dặm cây quế trong thời gian sớm nhất. Qua sự việc này, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm cho những vụ trồng quế tiếp theo.