Mặc dù có tới 5 nhóm hàng hóa - dịch vụ giảm giá, 3 nhóm giữ ổn định, trong khi chỉ có 3 nhóm có chỉ số giá tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 so với tháng trước vẫn tăng mạnh, với 3,01%. Đây là tháng có CPI tăng mạnh nhất trong 8 tháng qua và nếu so với cùng kỳ năm 2015, CPI tháng 8 năm nay tăng tới 6,53%; bình quân 8 tháng, chỉ số giá tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2015.
Nguyên nhân của việc tăng giá được cơ quan chức năng đánh giá là do thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng tiếp tục diễn ra nên nhu cầu tiêu dùng đối với một số mặt hàng điện, nước sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là do nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh với mức tăng 73,18% so với tháng trước. Cùng với một số nguyên nhân khiến CPI tháng 8 tăng thì lại có những yếu tố tác động khác khiến một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm, đó là việc Nhà nước điều chỉnh giá xăng, dầu 2 đợt vào ngày 20-7 và 4-8; các mặt hàng khác do nguồn cung được chuẩn bị tốt, một số mặt hàng nông sản như lúa gạo vào vụ thu hoạch, vật liệu xây dựng vào thời kỳ nhu cầu sử dụng không cao... nên giá cả hàng hóa trên thị trường chỉ biến động nhẹ.
Trong số 3/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, tăng cao nhất là Thuốc và dịch vụ y tế, tăng 73,18%, trong đó nhóm dịch vụ khám sức khỏe tăng 113,96% (riêng nhóm dịch vụ khám sức khỏe đóng góp khoảng 5,15% vào mức tăng của chỉ số giá chung); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. 5 nhóm hàng có chỉ số giá giảm gồm: giao thông giảm 1,75%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,4%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,21%; giáo dục giảm 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%. 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại có chỉ số giá tương đương gồm: Đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; bưu chính viễn thông. Dự báo, CPI tháng 9 tiếp tục đà tăng so với tháng 8.