Có thể nói chưa lúc nào đòi hỏi về sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhất là phụ trợ cho các sản phẩm công nghệ cao ở tỉnh ta lại cần thiết như hiện nay. Thực tế thì muốn gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế địa phương rất cần ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư vốn FDI đang triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn thì ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta vẫn phải đứng ngoài cuộc.
Tại sao lại xảy ra tình trạng này? Câu trả lời là các nhà đầu tư lớn của nước ngoài chưa chấp nhận các sản phẩm phụ trợ do nhà sản xuất nội địa cung cấp. Hay nói cách khác, công nghiệp phụ trợ của chúng ta chưa phát triển để kịp đáp ứng công nghệ tiên tiến mà phía đối tác cần. Từ ngày Samsung có mặt tại Thái Nguyên và cho ra các sản phẩm hoàn chỉnh gồm máy tính bảng, điện thoại thông minh thì gần như chưa có một nhà sản xuất nào của tỉnh Thái Nguyên tham gia được vào chuỗi cung ứng linh kiện cho Tập đoàn này. Các nhà quan sát cho rằng, không chỉ có sản phẩm điện tử mà ngay cả ghế ngồi, bàn ăn, đồ nội thất sử dụng trong văn phòng của Samsung Thái Nguyên cũng cơ bản được nhập từ Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng Giám đốc Samsung Việt Nam thì phần lớn các nhà cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung cả ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đều đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... Số doanh nghiệp trong nước chen chân vào được chuỗi sản xuất của Tập đoàn này còn rất hạn chế, trong đó Thái Nguyên chưa có nổi một đơn vị nào.
Đây là điều dễ dàng nhận thấy bởi từ khi đến Thái Nguyên, chính nhà đầu tư này đã hút theo một lượng lớn doanh nghiệp vốn FDI làm đơn vị phụ trợ. Năm 2013, Samsung bắt đầu đặt chân đến Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình cũng là lúc đơn vị này đặt vấn đề mở rộng các khu công nghiệp (KCN) lân cận để tạo điểm đến cho các doanh nghiệp phụ trợ, sẵn sàng cung cấp linh, phụ kiện khi Samsung chính thức vào sản xuất. Lúc đó, do đòi hỏi của nhà đầu tư danh giá này, Thái Nguyên đã gấp rút quy hoạch và khẩn trương đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy, cách nơi Samsung đóng chân khoảng 7km. Ngay khi hạ tầng KCN Điềm Thụy hoàn thành một phần đã có khoảng 30 nhà đầu tư vốn FDI đăng ký thực hiện các dự án phụ trợ cho Samsung. Và hiện nay, khi Samsung hình thành 2 nhà máy sản xuất tại KCN Yên Bình thì số lượng đơn vị phụ trợ đã tăng lên trên 50 doanh nghiệp.
Phía Samsung cho biết, yêu cầu để trở thành nhà cung cấp linh, phụ kiện cho họ rất khắt khe. Trong khi nhiều điều khoản đưa ra không được doanh nghiệp sở tại chú ý nên khó đáp ứng, trong đó có vấn đề về sở hữu trí tuệ, đạo đức kinh doanh… Mặt khác, Samsung đòi hỏi chất lượng sản phẩm cung cấp rất cao, tới mức hiếm có nhà sản xuất trong nước nào đáp ứng được. Ngay như Công ty TNHH điện tử Glonics của Hàn Quốc đầu tư tại T.P Thái Nguyên là một đơn vị phụ trợ sản xuất tai nghe, màng loa điện thoại di động chính thức cho Samsung cũng mất rất nhiều thời gian ổn định chất lượng sản phẩm mới được Samsung chấp nhận. Được biết Samsung đã tổ chức ít nhất 2 hội nghị với các doanh nghiệp trong nước và đưa ra hàng trăm sản phẩm linh, phụ kiện cần cung cấp để các doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp Thái Nguyên tham gia. Tuy nhiên, kết thúc chỉ có một vài đơn vị đáp ứng nổi, trong đó không có đơn vị nào của tỉnh ta.
Thực tế thì từ năm 2014, khi Samsung Thái Nguyên chính thức có sản phẩm hoàn chỉnh ra mắt, giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu của đơn vị này gần như tương đương. Điều đó có nghĩa, Samsung chủ yếu nhập linh, phụ kiện từ nước ngoài. Ngay cả thời điểm hiện nay, tỷ lệ nhập khẩu vào tỉnh ta của Tập đoàn tên tuổi này vẫn chiếm rất cao, hàng chục tỷ USD. Việc không có doanh nghiệp địa phương nào của tỉnh tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung cho thấy tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của doanh nghiệp này rất thấp. Ông Đinh Khắc Hiển, nguyên Giám đốc Sở Công Thương, trước đây trên cương vị quản lý của mình đã từng có ý kiến xung quanh vấn đề này ở nhiều diễn đàn. Theo ông Hiển, tỉnh ta có lợi thế về phát triển công nghiệp phụ trợ và thực tế đã có trên 20 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, chi tiết máy và cung cấp không ít phụ kiện cho các hãng sản xuất lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử thì chúng ta chưa có. Đó là điều thiệt thòi cho nền kinh tế địa phương.
Chiến lược của chúng ta đối với nhà đầu tư Samsung không phải chỉ có con số tăng trưởng ấn tượng hay nguồn thu ngân sách dồi dào mà còn phải có được doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Theo các nhà phân tích thì một khi Samsung Việt Nam đã chấp nhận một linh, phụ kiện nào của doanh nghiệp nội địa sản xuất thì Samsung trên toàn cầu cũng sẽ chấp nhận và đòi hỏi một lượng hàng không nhỏ, cung cấp ổn định. Để làm được điều này, doanh nghiệp tỉnh ta cần phải có sự đầu tư chuyên sâu cả về chất lượng nhân lực, trình độ công nghệ để có thể tham gia sản xuất cùng Samsung giống như các nhà đầu tư nước ngoài khác. Mặt khác, ngoài cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp phụ trợ của Trung ương, cũng cần phải có những cơ chế riêng của địa phương để khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tham gia, nhất là cơ chế về vốn, nhân lực và công nghệ.
Còn nhớ cách đây 2 năm, trong chuyến thăm và làm việc tại Samsung Thái Nguyên, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã rất băn khoăn với tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Samsung. Đồng chí cho rằng, Thái Nguyên muốn Samsung thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, phải đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, có khả năng tham gia chuỗi sản xuất hoàn chỉnh của Tập đoàn này. Nguyên Chủ tịch nước cũng cho rằng, Samsung nên chủ động tìm kiếm đối tác cung cấp linh, phụ kiện cho mình ngay tại thị trường nội địa để giảm bớt chi phí, tạo nền tảng vững chắc phát triển dài lâu.