Cánh đồng Trại Ghềnh mầu mỡ với đặc sản là giống lúa Bao Thai nổi tiếng thơm ngon chỉ còn trong hoài niệm của người dân xóm 7, xã Vạn Thọ (Đại Từ). Nơi đây giờ bỏ hoang vào vụ mùa do thiếu nước và trở thành địa điểm "lý tưởng" để chăn thả gia súc. Giữa cánh đồng bằng phẳng trước kia nay hình thành một dòng suối trơ trọi sỏi đá...
Một ngày cuối tháng 7, tôi tình cờ bắt gặp bà Nguyễn Thị Phác, người dân xóm 7, xã Vạn Thọ ngồi thẫn thờ bên dòng suối Đôi. Bà Phác buồn rầu: Nhà tôi có tổng cộng 6 sào ruộng, 5 nhân khẩu trông vào đó. Nếu thời tiết mưa thuận gió hòa, cùng với chăm chỉ cấy cày thì có thể dư thừa chút ít lương thực. Nay dòng suối xói lở, cánh đồng hoang hóa khiến gia đình mất một nửa diện tích, dù có cố gắng cũng không đủ thóc ăn.
Nhìn cánh đồng mầu mỡ trước kia giờ thành bãi chăn thả gia súc, ông Trần Xuân Vọng, người dân xóm 7 cũng không khỏi xót xa. Ông kể: Cánh đồng Trại Ghềnh rất phù hợp cấy lúa Bao thai. Gạo từ cánh đồng này dẻo thơm đặc biệt. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Từ khi có hoạt động khai thác cát sỏi đã làm mất đất và mất nước sản xuất khiến bà con không thể gieo cấy được lúa. Tiếc đất, nhiều người tận dụng đồng đất để trồng cây màu vào vụ đông nhưng năng suất cũng rất hạn chế.
Ông Nguyễn Duy Khiêm, Trưởng xóm 7 khẳng định: Cánh đồng Trại Ghềnh trở nên hoang hóa như hiện nay là hệ quả của việc khai thác cát sỏi trái phép. Cụ thể, từ năm 2009, ông Nguyễn Văn Dân (hộ khẩu tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ) đã tiến hành khai thác cát sỏi tại khu vực này. Thời điểm đó, ông Dân thuê nhân công và máy móc đắp một con đập chắn ngang dòng suối Đôi và lấy cát sỏi phía bên dưới. Do bị chặn nên suối Đôi dần hình thành dòng chảy mới đi qua giữa cánh đồng Trại Ghềnh (cánh vị trí dòng cũ gần 100m). Điều đáng ngại là lòng suối mới vẫn đang tiếp tục mở rộng, gây sạt lở đất nông nghiệp. Cũng do ảnh hưởng của dòng chảy mới có độ chênh cao lớn với cánh đồng, phá vỡ hệ thống thủy lợi khiến người dân không thể canh tác lúa. Theo thống kê, tại khu vực cánh đồng Trại Ghềnh có 1,5ha đất ruộng bị mất hoàn toàn do trở thành lòng suối và 4,7ha khác không thể gieo cấy lúa. Tổng số có 40 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tiếp đó tháng 8-2015, UBND xã Vạn Thọ đã cho phép ông Dương Văn Hà, ở xóm 4, xã Vạn Thọ khai thác tận thu cát, sỏi cũng tại dòng suối Đôi, để làm đường giao thông ở các xóm 1, 2, 4, 7 và chăn nuôi theo Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Kiêm cho rằng, nhân dân xóm 7 đồng tình với chủ trương tận thu cát sỏi để làm đường. Tuy nhiên, doanh nghiệp do ông Dương Văn Hà làm chủ đã không tuân thủ đúng những cam kết ban đầu. Cụ thể, việc nạo vét lòng suối quá sâu khiến nhiều giếng nước của người dân xung quanh bị cạn vào mùa khô. Sau thời hạn được phép khai thác (từ 25-7 đến 2-8-2015), doanh nghiệp cũng không nắn dòng và hoàn thổ theo quy định.
Có một thực tế là việc khai thác cát sỏi tại cánh đồng Trại Ghềnh của ông Nguyễn Văn Dân (diễn ra từ năm 2009 đến cuối 2014) hoàn toàn không được cấp phép. Tập thể người dân xóm 7 cũng nhiều lần làm đơn kiến nghị lên UBND xã nhưng chính quyền địa phương cũng không có phương án xử lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết: Chính quyền xã đã tiếp nhận ý kiến của người dân xóm 7, đồng thời có đơn đề nghị lên cơ quan chuyên môn cấp trên nhưng chưa được giải quyết.
Rõ ràng, để xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trong thời gian dài trên địa bàn là trách nhiệm của chính quyền xã Vạn Thọ và cơ quan chuyên môn huyện Đại Từ. Bí thư Chi bộ La Văn Khoát, đại diện cho người dân xóm 7, đề nghị: Các gia đình mất đất và bị ảnh hưởng mong muốn được hỗ trợ một phần, đồng thời có phương án nắn cho suối Đôi trở về dòng chảy cũ. Mong mỏi của bà con là hoàn toàn chính đáng và các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người dân.