Hùng Sơn mở rộng vùng sản xuất rau an toàn

16:35, 18/08/2016

Gần đây, những thông tin về các loại thực phẩm mất an toàn vệ sinh đã trở thành nỗi lo của toàn dân. Trước nhu cầu tìm kiếm các nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng của người tiêu dùng ngày càng tăng, huyện Đại Từ đã tập trung xây dựng vùng rau an toàn tại thị trấn Hùng Sơn nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu tác hại đối với môi trường.

Thị trấn Hùng Sơn có truyền thống trồng rau màu đã nhiều năm, là nơi cung cấp 60% nhu cầu của người dân trong huyện với tổng diện tích trên 40ha. Diện tích rau của thị trấn phân bố ở 12 xóm, nhưng tập trung nhiều ở các xóm, tổ dân phố: Cầu Thành 1, Đồng Cả, Xuân Đài với tổng diện tích trên 30ha. Năng suất bình quân đạt gần 20 tấn/ha/vụ, tổng sản lượng đạt khoảng 320 tấn/năm, đạt giá trị trên 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trước đây bà con vẫn quen sản xuất theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa cao, rau hay nhiễm bệnh. Nhằm thay đổi tập quán sản xuất, năm 2012, huyện đã triển khai mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô ban đầu là 30 hộ tham gia tập huấn, áp dụng. Sau hơn 3 năm thực hiện, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định, đây là tín hiệu vui giúp bà con nông dân có thêm động lực yên tâm sản xuất.

 

Ông Trương Văn Hoạch, Trưởng xóm Xuân Đài cho biết: Nhiều người nghĩ trồng rau theo chuẩn VietGAP năng suất có giảm hơn so với trồng rau theo phương pháp truyền thống, tuy nhiên trên thực tế thì năng suất lại cao và ổn định hơn. Thêm vào đó, trước đây bà con thường bón các loại phân chuồng trực tiếp cho rau nên rau bị nhiễm bệnh, phổ biến là nấm, nhưng giờ bà con đã biết ủ trước khi bón hoặc sử dụng các loại phân vi sinh nên không còn xảy ra tình trạng rau nhiễm bệnh diện rộng như trước. Thêm vào đó, giá bán rau an toàn lại cao hơn, do đó hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn trồng rau truyền thống. Hiện toàn xóm có 5ha rau thì 3,2ha được bà con áp dụng quy trình VietGAP.

 

Hiệu quả về kinh tế chỉ là một phần nhỏ mà mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang đem lại, cái quan trọng hơn là mô hình tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Chị Đoàn Thị Thúy, xóm Xuân Đài chia sẻ: Chúng tôi xác định trồng rau an toàn để bảo đảm sức khỏe không những cho người tiêu dùng mà còn cho chính bản thân mình. Vì rất ít sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc tăng trưởng nên yên tâm về chất lượng, thêm vào đó, người sản xuất cũng ít phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, đất đai cũng tránh được nguy cơ ô nhiễm. Gia đình tôi có 9 sào đất từ trước tới nay vẫn trồng màu, nhưng trước tôi chỉ trồng xu hào, bắp cải, hành, mấy năm nay do được tập huấn nên tôi đã áp dụng quy trình VietGAP, đồng thời mở rộng thêm các loại rau, quả khác như: bí xanh, dưa lê, cà rốt, thế nên sản phẩm làm ra dễ bán hơn và người tiêu dùng cũng như người sản xuất.

 

Từ mô hình sản xuất rau an toàn ban đầu, đến nay, thị trấn Hùng Sơn đã có hơn 130 hộ dân tham gia sản xuất rau theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 4ha tại xóm Xuân Đài, Đồng Cả, tổ dân phố Cầu Thành 1. Để tiếp tục nhân rộng diện tích rau an toàn, thị trấn cũng đã xây dựng Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2015-2020. Theo đó, Đề án sẽ hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng cho những vùng đủ điều kiện để chuyển sang sản xuất rau an toàn. Cùng với đó, cán bộ khuyến nông sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khâu trồng, chăm sóc theo đúng quy trình. Phấn đấu năm 2016, thị trấn sẽ mở rộng diện tích trồng rau an toàn thêm 5,8ha nữa nâng tổng diện tích trồng rau an toàn lên 10ha. Đến năm 2020, thị trấn sẽ có 30ha chuyên sản xuất rau an toàn với sản lượng gần 700 tấn/năm có thể đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ rau của người dân địa phương. Ông Đặng Đình Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn cho biết: Nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cũng như giá thành cho sản phẩm rau an toàn, hiện thị trấn cũng đang thành lập cửa hàng chuyên bán sản phẩm rau, củ, quả sạch tại chợ Hùng Sơn, đồng thời làm thủ tục để nâng cấp lên thành Hợp tác xã rau an toàn để việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.