Làm giàu từ chăn nuôi thỏ sinh sản

17:44, 02/08/2016

Nhờ dám nghĩ dám làm, trung bình mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Linh, ở xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) thu khoảng 400 triệu đồng từ chăn nuôi thỏ sinh sản.

Tìm đến nhà anh Linh không khó bởi người dân xã Quyết Thắng không ai là không biết anh “Linh thỏ”. Trang trại thỏ của anh có với diện tích 300m2 với quy  mô hàng nghìn con. Khi gặp anh, chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ vì một người trẻ - mới 35 tuổi, lại là chủ của một trang trại thỏ lớn đến vậy. Anh Linh giới thiệu: Gia đình tôi nuôi giống thỏ trắng New Zaeland. So với nhiều con vật nuôi khác, nuôi thỏ nhàn hơn, quay vòng vốn nhanh, lãi cao. Trung bình 1,5 tháng, thỏ sinh sản một lứa, mỗi lứa từ 7-8 con. Sau 3 tháng nuôi, thỏ thương phẩm đạt 2,3kg/con, có thể xuất bán với giá trung bình 76.000 đồng/kg. Khoảng 2,5 năm mới phải thay giống thỏ mẹ một lần.

 

Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề chăn nuôi thỏ, anh Linh cho biết: Trước đây, tôi làm kế toán cho một công ty tư nhân ở Hà Nội. Trong quá trình làm việc, tôi có cơ hội gặp đại diện của Công ty Nippon (Nhật Bản) khi Công ty này đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến thuốc điều trị run chân tay từ da thỏ. Năm 2012, tôi quyết định bỏ nghề kế toán với mức lương 15 triệu đồng/tháng để về nuôi thỏ bán cho Công ty. Hiện, đều đặn mỗi tuần một lần, Công ty lại về trang trại thu mua thỏ để chế biến thành thuốc điều trị bệnh. Ngoài ra, tôi còn xuất bán thỏ thương phẩm cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội và các nhà hàng ở T.P Thái Nguyên...

 

Nói về những khó khăn khi bắt đầu nuôi thỏ, anh Linh kể: Lúc mới nuôi, tôi gặp nhiều khó khăn về vốn để mua con giống, xây dựng chuồng trại nên phải vay mượn từ anh em, bạn bè và ngân hàng để đầu tư (hết khoảng 600 triệu đồng). Ban đầu tôi nuôi 40 con thỏ, trong quá trình nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên trong một lần thỏ bị bệnh tụ huyết trùng nên đã bị chết mất một nửa. Không nản lòng, tôi đã học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nuôi thỏ ở Hà Nội về các bệnh mà thỏ thường mắc phải. Do vậy đến nay, mỗi khi thỏ có biểu hiện của bệnh tôi đều phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, không để bệnh lây lan.

 

Bên cạnh những kinh nghiệm phòng, trị bệnh cho thỏ thì theo anh, việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông là điều hết sức quan trọng. Thông thường, thỏ thích nghi với nhiệt độ từ 7-33 độ C  nên về mùa hè, trang trại của anh lúc nào cũng có hệ thống quạt thông gió, giàn tưới nước  trên mái để đảm bảo nhiệt độ thích hợp nhất cho thỏ sinh trưởng và phát triển.

 

Từ mô hình nuôi thỏ của anh Linh, đã có nhiều hộ dân ở trong và ngoài xã tìm đến học hỏi thêm kinh nghiệm. Anh Nguyễn Trọng Khương, ở xóm Rừng Chùa, xã Phúc Trìu cho biết: Tôi mới nuôi thỏ được mấy tháng nay, ban đầu chưa có kinh nghiệm nuôi và chăm sóc thỏ, tôi được anh Linh hướng dẫn nhiệt tình về các bệnh của thỏ hay mắc phải, cách phòng và chữa trị nên đàn thỏ của tôi phát triển khỏe mạnh.

 

Không chỉ nuôi thỏ sinh sản với đầu ra ổn định, anh Linh còn đầu tư thêm một nhà lưới diện tích 500m2 để trồng rau an toàn với các loại rau, quả như: cà chua, dưa chuột, dưa lưới... với hệ thống tưới, phun tự động. Tuy nhiên, những loại rau anh trồng được cũng chỉ bán cho khách lẻ, khách quen ngoài ra chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào biết đến để thu mua theo hợp đồng. Anh trăn trở, chỉ muốn làm sao vườn rau an toàn của mình sẽ có đầu ra ổn định hơn, có như vậy mới yên tâm sản xuất.

 

Nói về những dự định trong thời gian tới, anh Linh cho biết thêm: Nuôi thỏ với đầu ra ổn định như hiện nay, tới đây, tôi sẽ mở rộng quy mô đàn thêm 2.000 con thỏ sinh sản nữa để cung cấp thỏ thương phẩm cho các tỉnh lân cận. Đồng thời, tận dụng phân thỏ để nuôi giun quế, một loại thức ăn để nuôi gà rất tốt.