Người bỏ nửa cơ nghiệp làm đường dân sinh

16:42, 20/08/2016

Một gia đình có thu nhập trung bình nhưng khi địa phương bê tông hoá đường dân sinh theo cơ chế đối ứng đã bỏ ra khoản tiền 150 triệu đồng và hiến 400m2 đất để hoàn thành đoạn đường mơ ước. Đó là gia đình ông Trần Văn Chiến, ở xóm Dộc Lầy, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên.

Trong trí tưởng tượng của chúng tôi, người dám bỏ ra khoản tiền 150 triệu đồng và 400m2 đất (khối tài sản lớn đối với một hộ gia đình nông dân) để làm đường phải là một tỷ phú hoặc chí ít cũng là hộ giàu có, bám nông, bám thương ở vùng quê Phúc Xuân. Nhưng khi gặp mặt, vào thăm nơi ở mới thực sự bất ngờ bởi gia đình nông dân Trần Văn Chiến cũng bình dị như bao hộ khác trong xã Phúc Xuân. Căn nhà xây cấp 4 lợp prôximăng vừa đủ ở, mảnh sân nhỏ xinh xinh, bao quanh là ruộng cấy lúa, rừng cây của gia đình ông Chiến.

 

Sau lời giới thiệu của Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Xuân Phạm Quang Đăng, chúng tôi đề nghị ông Chiến nói về chuyện làm đường bê tông của gia đình. Chưa vào chuyện, ông Chiến vào nhà trong lấy cút rượu ngâm với cây thuốc mời khách rồi từ từ kể lại việc gia đình họp bàn việc “huy động” nguồn lực, lấp ruộng, đào đồi để đổ bê tông đoạn đường dài trên 300m. Để có mặt bằng thi công đường bê tông theo chuẩn nông thôn mới, gia đình ông Chiến không ngần ngại chặt bỏ 120 cây keo và cây ăn quả, lấp nhiều phần đất ruộng chạy theo tuyến đường. Riêng số tiền 150 triệu đồng đối ứng, gia đình ông Chiến "lột" sạch tiền tích luỹ, các con giúp đỡ thêm và có một hộ trong cụm dân cư góp 20 triệu đồng.

 

Ông Chiến cho biết: Nơi gia đình tôi ở cách xa đường trục của xóm lại đi vòng vèo theo sườn đồi nên mùa mưa khổ lắm. Giao thông khó khăn khiến cụm dân cư này heo hút, vật nuôi, cây trồng các hộ làm ra đều bán không được giá. Do vậy, khi xã triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), có cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông, gia đình tôi rất hào hứng, đăng ký thực hiện trên 300m. Sau khi cơ quan chuyên môn rà soát, tính toán và thông báo gia đình tôi phải hiến đất để giải phóng mặt bằng và đóng góp 150 triệu đồng tiền đối ứng theo quy định. Việc chặt cây, đào đất, lấp ruộng gia đình thực hiện được ngay nhưng khoản tiền 150 triệu đồng là cả một vấn đề. Khi chúng tôi đề nghị các hộ có ruộng, nương bãi phải đi qua tuyến đường mọi người đều không muốn đóng góp cũng thấy nản. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại tôi quyết tâm vận động các thành viên trong gia đình đem hết khoản tiền tích luỹ, vay mượn thêm để làm đường. Mặc dù khoản tiền đó hết cả nửa cơ nghiệp của gia đình tôi…

 

Từ sự nỗ lực của gia đình ông Trần Văn Chiến và tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền xã Phúc Xuân, đơn vị thi công, đoạn đường dân sinh dài trên 300m được bê tông rộng 3m đã hoàn thành từ cuối năm 2015. Từ đó đến nay, người dân ở đây đi lại được thuận lợi, nối dài thêm những tuyến đường để xã Phúc Xuân hoàn thành tiêu chí về giao thông. Ông Phạm Quang Đăng cho biết: Chính những tấm gương về hiến đất, góp kinh phí làm đường như gia đình ông Chiến đã cổ vũ cho phong trào bê tông hoá đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Tuyến đường này không chỉ gia đình ông Chiến được hưởng lợi mà hơn 10 hộ dân có ruộng, nương bãi cũng thuận tiện trong sản xuất…

 

Gia đình ông Trần Văn Chiến là một trong những hạt nhân, góp phần lan toả ảnh hưởng để Chương trình XDNTM ở xã Phúc Xuân có thêm sức mạnh. Từ đó, hàng trăm hộ dân khác ở xã Phúc Xuân đã tự nguyện hiến trên 1ha đất, tháo dỡ công trình, chặt bỏ cây trồng với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng… Ông Ngô Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) thông tin: Qua tổng hợp từ 9 huyện, thành, thị, gia đình ông Trần Văn Chiến là 1 trong 3 hộ điển hình của tỉnh về hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn trong năm 2015 và ngành chuyên môn đã đề xuất UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng.