VietGAP là một quy trình kỹ thuật với tên gọi cũng như nội hàm là "Thực hành nông nghiệp tốt" của nước ta. VietGAP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ban hành vào tháng 1 năm 2008, đến nay đã được 8 năm. Đây là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, nhưng hiện nay người dân không mấy mặn mà với sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP.
Mô hình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP ra đời xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn. VietGAP thực chất là những nguyên tắc, trình tự, thủtục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường. |
Quy trình VietGAP hiện nay đang áp dụng là sự tổng hợp, chắp vá từ một số tiêu chí của GlobalGAP và AseanGAP với 65 tiêu chí bắt buộc và 10 tiêu chí khuyến cáo. Dù bản chất của VietGAP là tốt, các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp của Chính phủ là rất cần thiết, song do quá trình xây dựng bộ tiêu chí VietGAP trước đây không dựa theo quy chuẩn chung nào nên dẫn đến các công đoạn quản lý, thanh, kiểm tra xử lý sau này gặp nhiều khó khăn. Việc chứng nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP dần dà bị biến tướng, lệch hướng và mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu. Từ đó, người tiêu dùng thiếu niềm tin vào sản phẩm VietGAP bởi sự đánh đồng sản phẩm VietGAP với các sản phẩm an toàn khác.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 12-2015, diện tích VietGAP (đang còn hiệu lực) trong lĩnh vực trồng trọt trên toàn quốc là hơn 24.000ha. Trong đó, rau 3.152,16ha (758 cơ sở sản xuất); quả 13.776,30ha (740 cơ sở sản xuất); lúa 668,6ha (16 cơ sở sản xuất); chè 6.482,39ha (115 cơ sở sản xuất); cà phê 152ha (5 cơ sở sản xuất). Về cơ bản, hơn 24.000ha VietGAP đều thuộc các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước hoặc các nguồn viện trợ nước ngoài, nguồn từ tổ chức phi Chính phủ.
Một trong những cây trồng bắt đầu cho biểu hiện thất bại rõ nét với mô hình VietGAP chính là cây chè. Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn cho thấy, tháng 8-2015 diện tích chè chứng nhận VietGAP đạt hơn 9.000ha, nhưng đến tháng 6-2016 giảm xuống còn 4.000ha. Đến làng chè an toàn Phúc Xuân xã Bắc Sơn, xã cuối cùng của huyện Sóc Sơn, giáp Thái Nguyên, khi trao đổi về quá trình hình thành vùng sản xuất chè an toàn này, Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp xã, chị Đào Thị Quý cho biết: Toàn xã có hơn 400ha chè nhưng chủ yếu sản xuất manh mún theo kinh nghiệm cha truyền con nối là chính nên khi triển khai mô hình sản xuất chè an toàn gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền đã mất nhiều công sức tuyên truyền, vận động nông hộ làm điểm rồi nhân rộng, song đến nay, sau gần 8 năm triển khai thực hiện mới hình thành được khoảng 10ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP.
Trên địa bàn tỉnh, mảnh đất được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà", từ mô hình đầu tiên được thực hiện tại xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) năm 2009, đến nay chè VietGAP đã có mặt ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, quy trình sản xuất này vẫn chưa thực sự phổ biến và nhân rộng thành những vùng sản xuất hàng hóa. Chị Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng, huyện Đại Từ chia sẻ: Tranh thủ sự hỗ trợ 100% số cây giống của tỉnh, huyện, nông dân, xã viên chuyển đổi mạnh sang trồng giống chè mới, chè cành, áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, an toàn; năng suất, chất lượng tăng lên, cùng với việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, sản xuất hiệu quả cao hơn. Song thực chất, xã mới có 86 hộ trong hơn một nghìn hộ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; việc tiêu thụ lại chưa có sự phân biệt sản phẩm chè VietGAP với các sản phẩm chè khác nên các hộ làm theo quy trình VietGAP thua thiệt, không khuyến khích được sản xuất theo phương pháp tiên tiến. Mặt khác, việc tiêu thụ của HTX, nông dân rất khó khăn, chủ yếu là tự phát, không có kênh thu mua, phân phối theo chuỗi ổn định đã gây trở ngại khi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.
Về sản xuất rau an toàn, ngay tại Thủ đô Hà Nội, sau gần 20 năm nỗ lực xây dựng vùng rau an toàn, trong hơn 5.100ha đủ điều kiện chứng nhận an toàn thực phẩm trong sản xuất mới có 352ha rau canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và trên 40ha rau hữu cơ. Thực tế trên thị trường, các sản phẩm rau, củ, quả, chè... VietGAP cũng bị liệt vào một dạng của sản phẩm an toàn nên giá bán chỉ tương đương. Trong khi đó, các yêu cầu, quy trình sản xuất, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là ghi nhật ký, nhật trình đồng ruộng rau VietGAP phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều so với rau an toàn nên nông dân phần lớn chưa mặn mà. Chủ yếu có nhà nước hỗ trợ nông dân mới làm VietGAP, nếu để bà con tự lo chắc rất ít người làm vì chi phí cao, hiệu quả lại không rõ rệt.
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, song một trong những lý do chính là nông dân ngại thay đổi tập quán canh tác, trong khi bộ tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi rất cao. Đặc biệt, đầu ra cho nông sản đạt chuẩn VietGAP chưa tương xứng với công sức nông dân bỏ ra. Thực tế, nông dân tham gia quy trình VietGAP sẽ được tập huấn nên kỹ thuật chăm sóc cây tốt hơn, năng suất cao hơn và chất lượng trái an toàn hơn; nông hộ cũng được hỗ trợ một phần vốn để mua máy móc, phân bón, thuốc,... hỗ trợ vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để xây nhà kho, tập trung được sản lượng, quản lý dịch bệnh… nhưng hiệu quả mang lại không cao nên diện tích canh tác rất khó mở rộng.
Theo các chuyên gia chuyên môn, hiện nay việc triển khai trồng rau, củ, quả, chè theo mô hình VietGAP rất chậm, thậm chí một số nơi đã bỏ trồng theo VietGAP vì "đầu ra" không có. Do khó áp dụng, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra một số định hướng, hướng dẫn nông dân thực hiện một phần các tiêu chí của VietGAP và gọi là sản xuất theo “hướng VietGAP” mà cũng chẳng cần chứng nhận vì tốn kém.
Trước những khó khăn, hạn chế của mô hình VietGAP, Bộ NN&PTNT đang sửa quy định về bộ tiêu chí VietGAP, dự kiến rút từ 65 tiêu chí xuống còn 19 trong cả khâu sản xuất và chế biến. Song, sản xuất theo quy trình VietGAP được mở rộng hay không có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc người sản xuất phải có lãi; quy trình xây dựng các tiêu chuẩn phải nghiêm ngặt và có sự thống nhất trong toàn quốc, hướng tới hội nhập quốc tế để phát triển. Đồng thời người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng các sản phẩm nông sản sạch, có địa chỉ cụ thể để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình và gia đình. Nếu người tiêu dùng cứ tiện đâu mua đấy và mong giá rẻ, người sản xuất không có lãi thì VietGAP sẽ khó thành công.