Sớm giải quyết vướng mắc trong thi công đường cao tốc

15:17, 23/08/2016

Trên địa bàn xã Tân Quang (T.P Sông Công) có khoảng 2km đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chạy qua. Tuyến đường này đã đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng đến nay, những vướng mắc trong quá trình thi công vẫn chưa được giải quyết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2008, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bắt đầu thi công, cũng từ thời điểm này, trên 1,5ha đất nông nghiệp của 38 hộ dân thuộc 2 xóm Đông Tiến và Tân Tiến không thể gieo cấy vì ngập úng. Nguyên nhân là do trong quá trình san ủi mặt bằng thi công tuyến đường, một lượng lớn đất đã sạt xuống lấp đầy mặt ruộng và một phần hệ thống kênh mương của bà con. Thời gian đầu, nhiều hộ dân đã tự bỏ tiền, công sức cải tạo đất và khơi thông kênh mương để có thể gieo cấy. Tuy nhiên, càng về sau, lượng đất sạt xuống ngày một nhiều, bà con không thể tự khắc phục nên chấp nhận cảnh đồng ruộng bị bỏ hoang.

 

Là hộ dân có trên 1.000m2 đất nông nghiệp không thể gieo trồng hơn 5 năm nay, bà Phạm Thị Vẻ, ở xóm Đông Tiến bức xúc: Với diện tích này, trước đây, vụ nào gia đình tôi cũng thu được khoảng 7 tạ thóc. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, những thửa ruộng trên hầu như không thể canh tác vì không chủ động được nguồn nước. Do vậy, gia đình rất mong tình trạng này sớm được khắc phục để có thể canh tác như bình thường.

 

Gia đình ông Ngô Văn Xuân cùng ở xóm Đông Tiến cũng gặp tình trạng tương tự. Hơn 2 sào đất nông nghiệp của gia đình ông liền kề với tuyến đường cao tốc chạy qua nên đất trong quá trình thi công sạt xuống đã lấp đầy hệ thống kênh mương và mặt ruộng khiến việc gieo cấy gặp khó. Dù đã nỗ lực khắc phục bằng nhiều cách nhưng tình trạng ngập úng vẫn xảy ra, năng suất lúa cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 1 tạ/sào/vụ không đủ bù đắp chi phí bỏ ra nên gia đình ông Xuân buộc phải bỏ ruộng gần 1 năm nay.

 

Theo bà Ngô Thị Chi, Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang, năm 2008, khi Nhà nước có chủ trương làm đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, UBND xã Tân Quang đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện bàn giao mặt bằng sớm để đơn vị thi công triển khai đúng kế hoạch. Trong quá trình thi công, xét thấy khó khăn cho việc đi lại của người dân hai bên đường, UBND xã đã có văn bản kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền và được giải quyết làm hơn 1km đường dân sinh, hệ thống lưới điện đã được nâng cấp đảm bảo sinh hoạt. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đoạn chạy qua cánh đồng thuộc 2 xóm Đông Tiến và Tân Tiến (chiều dài 2km) đã xảy ra tình trạng bồi bạt đất khiến đồng ruộng lẫn kênh mương liền kề gần như không thể sản xuất, hoạt động. Trước tình trạng này, với những ruộng đất bạt xuống ít, xã đã vận động bà con chủ động cải tạo để gieo cấy, đồng thời, tổ chức nạo vét, khơi thông kênh mương. Tuy nhiên, diện tích có thể cải tạo được không đáng kể vì lượng đất bạt xuống đồng ruộng nhiều lại chủ yếu là đất sét nên bà con không có điều kiện thực hiện cải tạo. Mặc dù, phần diện tích hơn 1,5ha không thể gieo cấy chưa phải là nhiều nhưng đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống của những hộ dân trong những năm qua. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề trên luôn được cử tri xã Tân Quang đề cập tới. UBND xã cũng đã có nhiều văn bản gửi lên các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết để tránh những thiệt thòi cho người dân và gây lãng phí tài nguyên đất.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND T.P Sông Công cho biết: Trước việc người dân có ruộng bị ảnh hưởng bởi thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, UBND thành phố đã có nhiều công văn gửi UBND tỉnh, Bộ Giao thông - Vận tải xem xét giải quyết. Tháng 6-2012, UBND T.P Sông Công đã thực hiện hỗ trợ cho 24 hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất với số tiền trên 140 triệu đồng; hỗ trợ 112 triệu đồng cho 15 hộ dân thực hiện cải tạo đồng ruộng, kênh mương. Tuy nhiên, sau nhiều lần thành phố tổ chức các buổi kiểm tra, đánh giá cho thấy, lượng đất sạt xuống đồng ruộng nhiều, phần lớn là đất sét nên không thể cải tạo thêm. Trước thực trạng này, rất mong các cơ quan có thẩm quyền sớm đưa ra hướng giải quyết để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.