Tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế tập thể ở Định Hóa

09:41, 21/08/2016

Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, các mô hình kinh tế tập thể ở huyện miền núi Định Hóa đã từng bước được củng cố, đổi mới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn vẫn gặp không ít khó khăn. Do vậy, để hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đang là vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

 HTX Dịch vụ Vận tải Chuyên Đức, xóm Đoàn Kết, xã Trung Hội (Định Hóa) thành lập vào năm 2004 với 9 xã viên hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Khi Luật HTX 2012 ra đời và có hiệu lực, được sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, HTX đã tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật mới. Theo đó, HTX đã bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ và đổi mới phương thức hoạt động. Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX vui mừng chia sẻ: Sau khi chuyển đổi, đội ngũ cán bộ quản lý của HTX được tinh gọn, nên hiệu quả hoạt động cao hơn trước rất nhiều. Ngoài việc đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực vận tải, HTX còn mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh như: xăng dầu, san lấp mặt bằng, sản xuất gỗ ván ép…  Nhờ tận dụng, khai thác tốt những thế mạnh của địa phương và năng động trong việc tìm kiếm thị trường, đến nay, các ngành nghề của HTX đều duy trì hoạt động ổn định. HTX trở thành một trong những điển hình tiêu biểu trong lĩnh vực kinh tế tập thể của địa phương cũng như của tỉnh. Hiện, HTX đang tạo việc làm ổn định cho gần 30 xã viên và người lao động với mức thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm đều đạt trên 7 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 100 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, HTX đã đạt doanh thu gần 5 tỷ đồng, cao hơn 1,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đời sống của xã viên, người lao động nhờ đó ngày càng được cải thiện và nâng cao.   

 

Cùng với HTX Dịch vụ Vận tải Chuyên Đức, thời gian qua, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Định Hóa đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 14 tổ hợp tác và 21 HTX với trên 1.000 xã viên, người lao động, trong đó, có 3 HTX mới được thành lập trong năm 2016. Thực hiện theo Luật HTX 2012, các HTX trên địa bàn đã chủ động củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, phát triển đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề, loại hình sản xuất kinh doanh. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn. Điển hình có thể kể đến như: HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Tiến (xã Tân Dương); HTX Dịch vụ Đồng Vinh (xã Điềm Mặc); HTX Nông, lâm nghiệp Cường Thịnh Phát (xã Tân Dương); HTX Chè Phú Hội (xã Sơn Phú); Tổ hợp tác chế biến nông sản Bảo Cường (xã Bảo Cường); Tổ hợp tác chè an toàn Làng Chủng (xã Trung Hội); Tổ hợp chăn nuôi dê Núi Nản (xã Phượng Tiến)… Hiện nay, thu nhập bình quân của xã viên, người lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn huyện đạt trung bình từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 30% so với năm 2015.      

 

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Định Hóa vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cần có những giải pháp đồng bộ để đổi mới một cách căn bản và toàn diện. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX và tổ hợp tác đó là việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bà Hứa Thị Uyên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Cường Thịnh Phát, xóm Làng Bẩy, xã Tân Dương chia sẻ: Vừa mới thành lập vào đầu năm 2016 nên hoạt động của HTX vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư vào sản xuất. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp nên chúng tôi không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay của các ngân hàng cũng như của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Ông Đặng Ngọc Hà, Giám đốc HTX chè Phú Hội, xã Sơn Phú thì cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con xã viên phát triển sản xuất thì HTX cần phải mở thêm dịch vụ cung ứng vật tư phân bón. Nhưng khi tìm đến các ngân hàng để vay vốn thì chúng tôi đều bị từ chối vì HTX không có tài sản thế chấp.  

 

Bên cạnh khó khăn nêu trên, thì hầu hết các HTX trên địa bàn huyện Định Hóa đều có quy mô hoạt động nhỏ, số lượng xã viên chưa nhiều, vốn góp còn thấp dẫn đến khó khăn trong đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Một số HTX còn thiếu tính chủ động, sáng tạo trong điều hành hoạt động, chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý HTX chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, hầu hết chưa được học qua các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý hoặc kỹ thuật. Đối với các tổ hợp tác thì đều thành lập tự phát, cơ chế quản lý lỏng lẻo, rất khó khăn về giao dịch kinh tế, vay vốn ngân hàng. Một hạn chế không thể không nhắc tới là công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả trong việc triển khai Luật HTX và các chính sách khuyến khích hỗ trợ HTX còn thấp…

 

Để phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, theo ông Ngô Quốc Tự, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa thì thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về kinh tế tập thể, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX của Nhà nước như: chính sách về đất đai, tài chính tín dụng và hỗ trợ tiếp thị mở rộng thị trường. Song song với đó, huyện sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX bằng các hình thức dài hạn, ngắn hạn để nâng cao kiến thức quản lý kinh tế cho ban quản trị HTX đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới; hướng dẫn các HTX mở thêm ngành nghề kinh doanh dịch vụ… nhằm tạo điều kiện cho mô hình kinh tế tập thể thực sự đổi mới, phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.