Để tạo bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, thay đổi tập quán sản xuất không còn phù hợp, năm 2016, tỉnh có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn nhằm hình thành những vùng sản xuất tập trung. Từ đó góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết là những bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trước thực trạng này, từ năm nay, tỉnh đã có chủ trương giao cho UBND huyện Phú Bình làm chủ đầu tư Dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao tại 3 xã Tân Đức, Xuân Phương và Úc Kỳ, với quy mô diện tích 250ha.
Những ngày này, cùng với các cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình đi khảo sát thực tế tại 3 xã thực hiện mô hình cánh đồng lớn, chúng tôi nhận thấy bà con nông dân đang háo hức đón nhận cách làm mới với bao kỳ vọng, dự cảm tốt đẹp. Chị Bùi Thị Quỳnh, ở xóm Ngoài, xã Tân Đức chia sẻ: Nếu như trước đây, trên cùng một cánh đồng, mỗi gia đình chọn 1giống lúa gieo cấy thì từ vụ xuân năm nay, bà con đồng loạt xuống giống BTE1 và tuân thủ đúng quy trình sản xuất từ khâu xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch. Mặc dù trong quá trình sản xuất gặp một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại nhưng năng suất giống lúa BTE1 vẫn đạt 2,6 tạ/sào, trong khi đó lúa Khang dân chỉ đạt 1,8 tạ/sào. Nhờ chăm sóc, bón phân cho lúa theo đúng quy trình kỹ thuật nên chi phí đầu tư về giống, phân bón của các hộ đều giảm, chúng tôi rất phấn khởi.
Ông Đào Xuân Hoàng, Trưởng xóm Ngoài hồ hởi cho biết thêm: Ban đầu, nhiều hộ còn hoài nghi về vấn đề xây dựng cánh đồng lớn. Thế nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động, từ vụ xuân năm 2016, các hộ dân ở đây đã bắt tay ngay vào việc cùng gieo cấy giống lúa BTE1 trên cánh đồng rộng hơn 18ha. Đến khi lúa chín, chúng tôi chỉ thu hoạch 2 ngày là xong cả cánh đồng. Điểm khác biệt rõ nét nhất mà mô hình mang lại cho bà con nông dân là việc ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, tránh được nhiều loại sâu bệnh gây hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật cần dùng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, việc tăng cường đưa các loại máy móc (như máy làm đất, máy gặt đập liên hợp) vào sản xuất đã giúp giảm công lao động cũng như áp lực nhân công cho bà con mỗi khi vào vụ sản xuất đại trà.
Qua tiếp xúc một số người dân, chúng tôi được biết, dù mới đang trong giai đoạn đầu nhưng bà con đã thấy rõ cái được của cánh đồng lớn là sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất tập trung ruộng đất không còn manh mún, đưa cơ giới hóa lớn vào khâu làm đất và chi phí sản xuất sẽ giảm một nửa so với trước. Hơn nữa, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa trên cánh đồng đại trà chỉ một loại giống sẽ rất dễ làm. Chị Nguyễn Thị Huyền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình phấn khởi chia sẻ: Mặc dù chưa có quy hoạch thực hiện cánh đồng lớn nhưng trong vụ mùa này, chúng tôi đã triển khai ở 20 xã, thị trấn 49 mô hình, cánh đồng 1 giống với tổng diện tích gần 400ha, với các giống lúa lai như: GS9, Thịnh dụ, BTE1, TH3-5, PHB71 và 158ha lúa thuần tập trung ở 12 xã, thị trấn gồm các giống: Thiên ưu 8, Nếp Thầu dầu. Bà con nông dân cũng đã bắt đầu thay đổi nhận thức và thói quen canh tác manh mún, lạc hậu trước kia sang sản xuất tập trung, khoa học hơn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phú Bình quyết tâm xây dựng cánh đồng lớn và đã được tỉnh thống nhất chủ trương thực hiện. Về nguồn vốn, tỉnh sẽ cân đối hỗ trợ 80%, còn lại ngân sách huyện đối ứng 20%. Hiện nay, huyện đã chọn đơn vị tư vấn để tiến hành lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 108 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, diện tích trồng lúa trên 72 nghìn ha. Toàn tỉnh có nhiều cánh đồng có quy mô từ từ 20-40 ha, tập trung ở các vùng trọng điểm lúa như Phú Bình, T.X Phổ Yên, Đại Từ... là điều kiện thuận lợi để xây dựng các cánh đồng lớn. Trong quá trình đi kiểm tra tại cơ sở, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng cần quan tâm, hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện trình tự, thủ tục, hồ sơ, định mức áp dụng để xây dựng dự toán lập quy hoạch chi tiết; tổ chức công bố quy hoạch; công tác dồn điền đổi thửa... đảm bảo theo đúng quy định. Cùng với đó cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân yên tâm gieo cấy, không làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Thiết nghĩ, để cánh đồng lớn sớm được triển khai xây dựng như mong đợi, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần có những cơ chế chính sách đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho địa phương cũng như ngành nông nghiệp để xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Ngoài ra, UBND huyện Phú Bình cũng cần đưa ra những giải pháp nhằm khuyến khích, mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết xây dựng cánh đồng lớn, nhất là các khâu như sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp - PTNT tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, đưa các chính sách đến với nông dân và doanh nghiệp…