Động thái tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

18:16, 27/09/2016

Từ ngày 26-9, bốn ngân hàng (NH) thương mại quốc doanh, gồm: BIDV, Agribank, Vietinbank và Vietcombank đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động trung bình với mức 0,3-0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn dưới 12 tháng. Mặc dù lần điều chỉnh này không quá nhiều nhưng cũng khiến người vay, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) không khỏi bất ngờ xen lẫn sự vui mừng, bởi động thái này cho thấy ít có khả năng tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới như một số nhận định trước đó. Điều này sẽ giúp DN cảm thấy yên tâm hơn trong sản xuất, kinh doanh…

Mặc dù lãi suất cho vay chưa được điều chỉnh giảm cùng với lãi suất huy động nhưng theo bà Nguyễn Thị Thanh, giám đốc một DN kinh doanh sắt thép và vật liệu xây dựng, ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) thì đây được xem là tín hiệu vui đối với người làm kinh doanh vì theo lẽ thường, lãi suất đầu vào (huy động) sẽ tác động trực tiếp đến lãi suất đầu ra (cho vay). Chỉ cần lãi suất được điều chỉnh giảm trên dưới 0,5%/năm thì với số tiền vay của DN thường ở mức trên 10 tỷ đồng sẽ đồng nghĩa với việc DN giảm được trên 50 triệu đồng tiền lãi phải trả/năm, tương ứng với trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Đáng nói hơn, khi cộng đồng DN cùng được hưởng mức lãi suất thấp hơn sẽ giúp đầu vào của DN cũng thấp hơn, điều này đồng nghĩa với việc DN sẽ có điều kiện để hạ được giá thành sản phẩm. Qua đó sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

 

Tuy nhiên, trái với tâm trạng phấn khởi của DN, thì người có tiền cho vay, đặc biệt là người dân lại cảm thấy “hơi buồn” trước thông tin NH hạ lãi suất huy động. Bà Kim Thị Thanh, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi vừa bán căn nhà được hơn 2 tỷ đồng nên hôm nay mang đến NH BIDV gửi tiết kiệm. Trước đó, tôi tìm hiểu thì được biết, ở kỳ hạn gửi 1 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi suất là 4,8%/năm. Giờ đến NH mới biết, từ ngày 26-9, lãi suất kỳ hạn này đã điều chỉnh giảm còn 4,3%/năm. Theo như anh cán bộ NH tính, với số tiền 2,3 tỷ đồng, thì với mức lãi suất được điều chỉnh giảm, số lãi hàng tháng của tôi sẽ giảm hơn 1,3 triệu đồng/tháng.

 

Khác với bà Thanh, ông Đàm Viết Hưng, phường Mỏ Chè, T.P Sông Công lại cho rằng, lần điều chỉnh giảm này của NH cơ bản ông không bị ảnh hưởng gì vì ở kỳ hạn 13 tháng mà ông đang định gửi tiếp, lãi suất vẫn giữ ở mức 6,5%/năm như trước.

 

Theo đại diện lãnh đạo một số NH, có 2 nguyên nhân chủ yếu khiến 4 NH lớn đồng loạt giảm lãi suất huy động lần này. Thứ nhất, do tình hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trong nước vẫn chưa thực sự ổn định. Trong khi đó, sau đợt điều chỉnh tăng lãi suất hồi đầu năm nay, thì hiện mặt bằng lãi suất cho vay đang cao hơn so với năm 2015 từ 0,5-1%/năm (trừ một số lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ, tuy nhiên, vùng được hưởng lãi suất ưu tiên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ cho vay của các NH). Bởi thế, với việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động lần này được cho là cần thiết vì nếu giữ được sự ổn định trong huy động thì sau khoảng 15-20 ngày trở ra, các NH sẽ có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, tương đương với mức giảm của lãi suất huy động.

 

Nguyên nhân thứ 2 là do kết quả huy động vốn trong 8 tháng qua của nền kinh tế cao hơn kết quả cho vay. Nói một cách nôm na, NH trong nước đang thừa vốn. Bởi thế, việc giảm lãi suất huy động là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan. Trên thực tế, việc thừa hay thiếu vốn lại có sự khác nhau giữa các NH và giữa các chi nhánh trong cùng 1 hệ thống. Với địa bàn Thái Nguyên thì hiện tổng nguồn vốn huy động đang tương đương với tổng dư nợ cho vay, đều ở ngưỡng 37 nghìn tỷ đồng.

 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất huy động trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp khó khăn và chưa thực sự vững chắc là cần thiết, phù hợp với quy luật khách quan và phần nào đã thể hiện được những động thái tích cực của nền kinh tế, cũng như sức khỏe của hệ thống NH. Chúng ta chỉ nên lo ngại khi mà nền kinh tế còn khó khăn mà lãi suất huy động vẫn tăng và cao, bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với việc nợ xấu của NH đang có vấn đề nên các NH phải đua nhau huy động vốn. Với vai trò dẫn dắt thị trường tiền tệ trong nước, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động của bốn NH thương mại quốc doanh lần này, chắc chắn sẽ tác động đến các NH TMCP nhỏ khác trong thời gian tới. Đây là một trong những dấu hiệu tích cực trong chỉ đạo của NH Nhà nước trước định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và nền kinh tế.

 

Từ ngày 26-9, lãi suất huy động đối với tiền gửi VNĐ của 4 NH thương mại quốc doanh áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được công bố từ 0,3-0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm; từ 3 đến dưới 5 tháng là 4,8%/năm, từ 5 tháng đến dưới 6 tháng là 5%/năm; từ 6 đến dưới 9 tháng là 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng là 5,5%/năm. Các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên.