Chọn cách khởi nghiệp ở quê hương, hai chàng trai 9X: Nguyễn Minh Tài, xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn và Đỗ Hùng Mạnh, xóm Xứ Đào, xã Bá Xuyên, T.P Sông Công đã mạnh dạn thuê đất, đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác biến mỗi “tấc đất” thành một “tấc vàng”, bước đầu thu nhập khá từ mô hình sản xuất nông nghiệp.
Có mặt ở cánh đồng xóm Vinh Quang, xã Vinh Sơn, chúng tôi ấn tượng khi tận mắt nhìn những quả dưa Kim Hoàng hậu chín vàng trong giai đoạn thu hoạch, có dây 3-4 quả to đều như những chú lợn con nằm lăn lóc trên mặt ruộng. Chủ nhân của hơn 1 mẫu dưa này là anh Nguyễn Minh Tài. Thử nếm dưa, chúng tôi đều hài lòng vì quả giòn, có vị ngọt thanh mát, chứ không ngọt sắc. Anh Tài bảo, giống dưa này sau khi thu hoạch chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được 1 tháng, vị càng ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến lứa dưa cuối cùng này, anh thu được khoảng 8 tấn, đều nhờ rao bán trực tiếp trên mạng xã hội và thông qua người quen chuyển cho thương lái.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, năm 2013, Nguyễn Minh Tài cùng với nhiều tân cử nhân của Trường được cử đi Israel thực tập, dạng vừa học vừa làm theo Chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp & PTNT Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Israel trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ nông - lâm Việt Nam. Tài cho biết: Một năm ở nước bạn, tôi được học nhiều về kỹ thuật chăm sóc các loại rau, củ, quả như ớt, cà tím, hành tây và giống dưa Kim Hoàng hậu. Nông dân Israel rất chăm chỉ, làm việc có tính toán, chấp nhận đầu tư. Mô hình sản xuất của họ chuyên nghiệp, với trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Làm bất cứ gì, họ đều học trước kỹ thuật, tìm hiểu khả năng tiêu thụ sản phẩm, đầu tư đúng quy trình từ trồng tới tiêu thụ, chú trọng nhất khâu phòng bệnh chứ không phải mua cây, con giống về rồi mới học, mới tìm hiểu quy trình và thị trường.
Thời gian vừa học, vừa làm nông dân ở đất nước bán sa mạc Isarel, Tài đã ấp ủ đưa giống dưa Kim Hoàng hậu về quê mình thử nghiệm với kỹ thuật được học nơi đây. Bởi, ở Việt Nam, giống dưa này đã được trồng thành công ở một số tỉnh phía Bắc, được người dân rất ưa chuộng. Vậy là Tài đã bàn với bố mẹ trồng thử vài sào ngay sau khi anh kết thúc đợt thực tập về quê năm 2014. Lúc này, Tài cũng được nhận vào làm việc tại Công ty Hạt giống của T.P Hồ Chí Minh có trụ sở văn phòng đại diện tại Thái Nguyên.
Chỉ tay vào từng luống dưa Tài giới thiệu với chúng tôi, anh đã sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt theo đường ống tự động dẫn từ bể nước sạch đầu bờ đến từng mặt luống, không mất công tưới. Các loại phân bón anh cũng được nhập khẩu từ Isarel, đảm bảo cho quy trình sản xuất an toàn. Cách trồng, chăm sóc dưa Kim Hoàng hậu không phức tạp, cơ bản như giống dưa lê nông dân vẫn trồng song kỹ thuật tỉ mỉ hơn. Nhà ít đất nông nghiệp, nên Tài đã thuê hơn 1 mẫu ruộng để trồng. Năm 2015, Tài xin nghỉ hẳn công việc với mức lương 10 triệu đồng/tháng ở Công ty Giống cây trồng để gắn bó với “dự án dưa Kim Hoàng hậu” của mình. “Nhiều người nghe vậy đã phản đối tôi rất nhiều nhưng tôi tin mình sẽ thành công!”- Tài nói.
Và sự nỗ lực của Tài đã được đền đáp khi vụ dưa này, hơn 1 mẫu dưa của gia đình thu hoạch năng suất đạt khá cao, trung bình 6-8 tạ/sào. Nếu những vụ đầu cơ bản hòa vốn thì năm nay, với giá bán từ 15-30.000 đồng/kg, mỗi sào thu được 14-16 triệu đồng. Anh nhẩm tính, hơn 1 mẫu dưa Kim Hoàng hậu, gia đình anh thu trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 70 triệu đồng. Dưa có thể gieo trồng từ tháng 2 đến cuối tháng 9 Dương lịch, sau hơn 60 ngày sẽ được thu hoạch, nếu không trồng liên tục có thể xen canh các cây màu ngắn ngày khác. Từ thành công bước đầu, dự định của Tài tập trung đầu tư chiều sâu như xây dựng nhà lưới, kính và trồng cả các loại dưa lê theo mùa vụ cho năng suất cao hơn. Tuy nhiên, điều Tài còn băn khoăn là vốn để tái sản xuất còn khó khăn cũng như thị trường chưa thực sự ổn định.
Nhận xét về Tài, anh Vũ Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Sơn đánh giá cao sự tìm tòi, đổi mới và mạnh dạn làm kinh tế của Tài. Để mô hình mới nổi không bị “chết yểu”, Hội Nông dân xã cũng đang định hướng việc nhân rộng cây dưa Kim Hoàng hậu này theo quy hoạch vùng sản xuất xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, mới có cơ chế hỗ trợ chính sách cụ thể cho từng hộ tham gia.
Còn Đỗ Hùng Mạnh, sinh năm 1990, ở xóm Xứ Đào, xã Bá Xuyên không được học qua trường lớp, nhưng nhờ tự học, tự đúc rút kinh nhiệm, anh cũng mạnh dạn đầu tư cho việc trồng trọt. Sau mấy năm buôn bán hoa quả, có lưng vốn trong tay, anh đã mở sạp bán hàng tại Trung tâm thương mại T.P Sông Công, mua xe tải để vận chuyển, đồng thời có thị trường tiêu thụ rộng mở. Thời gian đi buôn hoa quả ngược xuôi khắp các tỉnh miền Bắc, Mạnh thấy nguồn hàng bấp bênh, giá không ổn định nên đã nghĩ phương án sản xuất nông sản tại quê vừa chủ động nguồn hàng, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, cho lãi cao hơn. Nhưng khó khăn nhất lúc đó của Mạnh là thiếu đất (gia đình anh chỉ có 3 sào cấy lúa). Một lần, vào xóm La Cảnh 2, anh thấy nhiều khu ruộng trồng màu ở cánh đồng La Nhuôn và Cửa Mương người dân đa phần trồng 1 vụ ngô, lạc còn hầu hết bỏ hoang, cỏ mọc đầy. Anh đã thuê 10 mẫu đất của các hộ dân trong thời hạn 5 năm để bắt đầu trồng các loại rau màu.
Chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng của gia đình anh Mạnh, nào bí đỏ, chuối tiêu hồng, đu đủ, cây nào cây ấy quả sai lúc lỉu. Trong khu sản xuất, anh dựng lán làm nơi ở cho 2 công nhân (mức trả 70 triệu đồng/năm) thường xuyên có mặt quản lý, chăm sóc. Ngoài 2 công nhân này, đến vụ, anh thuê công nhật thêm nông dân trong vùng làm đất, thu hoạch. Mạnh cho biết: Những năm buôn bán ở các tỉnh, qua nhiều mối quan hệ với các nhà vườn nên tôi tìm được địa chỉ mua giống, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín, cũng như học hỏi được nhiều kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng. Tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, nhờ cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật, giúp tôi tham gia các dự án sản xuất nông nghiệp hàng năm; thị trường có sẵn do kết nối từ những ngày tôi buôn bán hoa quả nên nông sản làm ra đến đâu tiêu thụ đến đấy. Đu đủ, chuối, cuối năm mới được thu hoạch nhưng giờ cơ bản đã có các khách đặt hàng.
Hai năm qua, Mạnh tạm hài lòng khi anh gối vụ trồng dưa hấu, bí đỏ lấy quả và ngọn, các loại dưa lê, dưa bở, khoai tây... mùa nào, thức ấy. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi vài chục triệu đồng. Anh vừa đầu tư hơn 200 triệu đồng mua trên 4.000m2 đất ở xóm La Cảnh vốn là bãi trồng keo, tre, cho san, gạt đất chuẩn bị trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi. Tương lai không xa, anh còn mở rộng diện tích đất canh tác nhiều loại rau, màu và cây ăn quả ở vùng La Cảnh, mong muốn trở thành đầu mối cung ứng nông sản lớn trong và ngoài tỉnh.
Kết quả đạt được từ mô hình kinh tế nông nghiệp của hai chàng trai 9X nói trên tuy mới là bước đầu nhưng đã đạt hiệu quả nhất định. Chúng tôi hy vọng với sự dám nghĩ, dám làm họ sẽ gặt hái được thành công hơn nữa.