Nhìn từ thực tế ở Định Hóa

07:48, 30/09/2016

Từ năm 2005 trở lại đây, thông qua các chương trình, dự án, huyện Định Hóa đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, góp phần giúp nhân dân có đủ nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên đến nay, nhiều công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, không còn phát huy hiệu quả sử dụng.

Ông Đường Ngọc Thu, Trưởng xóm Rịn 3 kiêm Tổ trưởng Tổ quản lý, vận hành, khai thác công trình nước sinh hoạt tập trung xóm Rịn 2, Rịn 3, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) cho biết: Công trình được xây dựng từ năm 2008 với kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng, cung cấp nước sinh hoạt cho 67 hộ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng được hơn 1 năm thì công trình ngừng hoạt động. Từ năm 2010, tôi được bà con bầu làm Trưởng xóm, tiếp đó lại được bàn giao làm Tổ trưởng Tổ quản lý, vận hành, khai thác công trình này. Sau khi nhận bàn giao, tôi đã nhiều lần kiến nghị với UBND xã, huyện về việc cho chủ trương duy tu, sửa chữa công trình. Cùng với đó, tôi cũng tổ chức họp xóm, bàn việc đóng góp để duy tu, sửa chữa, song bà con không mấy mặn mà. Bởi vậy, công trình hiện vẫn bị bỏ không.

 

Được biết, từ năm 2005 đến nay, thông qua Chương trình 134, 135 và các chương trình khác, huyện Định Hóa được đầu tư xây dựng 45 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do tỉnh và huyện làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Bên cạnh những công trình đang phát huy hiệu quả sử dụng, lại có không ít công trình bị xuống cấp, hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí đã dừng hoạt động. Cụ thể, theo thống kê của Phòng Dân tộc, toàn huyện hiện có 6 công trình đã dừng hoạt động (gồm xóm Chú I, Rịn 2 và Rịn 3, xã Bộc Nhiêu; Làng Khao - Bản Chia, xã Trung Hội; Túc Duyên, xã Quy Kỳ; Khau Viềng - Nà Làng, xã Lam Vỹ; Làng Duyên, xã Tân Thịnh) và nhiều công trình khác hoạt động kém hiệu quả, như ở các xóm Thịnh Mỹ 1,2,3 - xã Tân Thịnh; Kim Tân 2,3 - xã Kim Sơn; Bản Bắc 1,2,3,4 - xã Điềm Mặc; A Nhì 1,2 - xã Bảo Linh... Điều đáng nói là có những công trình bị hư hỏng nặng, đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được khắc phục, gây lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân.

 

Theo đánh giá của lãnh đạo các xã và cơ quan chuyên môn của huyện, tình trạng nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn bị xuống cấp là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do địa hình đồi núi có độ dốc cao, thường xảy ra sạt, lở đất đá làm gẫy đường ống. Chủ quan là công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình chưa tốt, ý thức bảo vệ công trình của người dân chưa cao. Cùng với đó, công tác điều tra, khảo sát thiết kế ở một số công trình chưa thật sự sát với thực tế, dẫn đến tình trạng nguồn nước không đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng. Cấp ủy, chính quyền cơ sở còn lơi lỏng quản lý, thiếu kiểm tra thực tế cơ sở...

 

Ông Bùi Duy Quang, ở xóm Rịn 3, nguyên là Tổ trưởng Tổ quản lý, vận hành, khai thác công trình xóm Rịn 2 và Rịn 3, xã Bộc Nhiêu thông tin thêm: Vào mùa khô, nguồn nước từ công trình về các hộ dân thường phập phù, không ổn định. Viện lý do đó, người dân không muốn nộp tiền nước sử dụng hằng tháng (theo quy chế, hộ dân phải nộp 500 đồng/m3 nước sử dụng). Do không thu được tiền nên việc trả công cho các thành viên trong Tổ cũng như sửa chữa những hư hỏng nhẹ của công trình đã không thực hiện được. Bởi vậy, công trình dần bị hư hỏng, xuống cấp.

 

Từ năm 2013 đến nay, vấn đề quản lý, vận hành, khai thác các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Định Hóa đã nhiều lần được huyện, tỉnh đề cập, tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, mgười dân lại không mặn mà với việc khôi phục sửa chữa công trình kể cả khi có nguồn  vốn hỗ trợ của Nhà nước. Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng phòng Dân tộc cho biết: Năm 2014, Phòng đã tham mưu UBND huyện trình HĐND huyện dành 450 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện để hỗ trợ mua những vật tư mà người dân không làm ra được để duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình. Chúng tôi đã chọn 3 xã: Thanh Định, Điềm Mặc và Quy Kỳ để làm đầu tiên. Tuy nhiên, khi xã tổ chức họp dân triển khai thực hiện, người dân lại không muốn đóng góp tiền của và công sức cùng với Nhà nước duy tu, sửa chữa. Vì vậy, đến nay, các công trình bị hư hỏng, xuống cấp vẫn chưa được khắc phục.

 

Tìm hiểu thực tế tại nhiều công trình, chúng tôi nhận thấy chỉ tốn khoản kinh phí khoảng 30 đến 50 triệu đồng là có thể khôi phục lại hoạt động. Thế nhưng, khi đem vấn đề đóng góp tiền để làm, bà con lại không đồng ý với lý do điều kiện kinh tế khó khăn. Trong khi đó, năm vừa qua, bà con vẫn có thể đóng góp trên 1 triệu đồng/nhân khẩu để làm đường bê tông. Nói như vậy để thấy rằng bà con được thụ hưởng từ những công trình này chưa thật sự mặn mà và đặt quyết tâm sửa chữa và còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Ở một khía cạnh khác, chúng tôi nhận thấy hầu hết nhà nào cũng có giếng đào hoặc giếng khoan, việc khôi phục hay không khôi phục lại hoạt động của một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp đã không còn là mối bận tâm và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân. Nhưng việc bỏ không những công trình có tổng mức đầu tư hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng lại đang gây lãng phí tài sản của Nhà nước và nhân dân...