Cảng Đa Phúc - cảng đường sông duy nhất trên địa bàn tỉnh - ở thời điểm bước vào đầu quý IV này trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tại đây, trung bình mỗi ngày có tới hàng chục lượt tàu thuyền, xà lan vào ra trao đổi hàng hóa. Điều đó cho thấy hoạt động kinh tế khu vực bến thủy nội địa của tỉnh những tháng nước rút cuối năm đang diễn ra khẩn trương, sôi động.
Mấy năm gần đây, khu vực Cảng Đa Phúc, thuộc địa bàn xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) đã trở nên sôi động hơn rất nhiều so với trước bởi nhu cầu vận tải, bốc xếp hàng hóa tăng cao. Đó là do những tác động tích cực từ làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh thời gian qua với các dự án FDI khổng lồ, có số vốn đăng ký lên tới hàng tỷ USD. Trong gần hai chục điểm bốc xếp hàng hóa tại bến cảng thì các đơn vị như: Công ty TNHH Thắng Lá, Doanh nghiệp Vượng Hương hay Doanh nghiệp Dung Quang… là những đơn vị có vị trí bến bãi thuận lợi nhất (nằm bên bờ trái của sông Công, giáp với khu vực cầu Đa Phúc và chỉ cách Quốc lộ 3 cũ chừng 200 đến 300m), nên hoạt động cũng nhộn nhịp hơn cả.
Tại bến cảng Dung Quang, hàng hóa chính được bốc, xếp là nguyên liệu đầu vào, vật liệu xây dựng và các sản phẩm đầu ra của ngành công nghiệp như: Quặng sắt, xi măng, cát, sỏi, than, clanhke, thạch cao và các loại phụ gia khác. Hàng hóa giao dịch ở đây thường là hàng hai chiều, chiều xuống chủ yếu là than, clanhke, quặng sắt và chiều lên là xi măng, cát, sỏi, thạch cao, nguyên liệu luyện kim... Theo chủ bến cảng Dung Quang thì so với cùng kỳ năm trước, thời điểm này hàng hóa vào ra cảng nhiều hơn. Một phần do vận tải đường bộ đang quá tải, thị trường có xu hướng tăng trưởng và tâm lý chung của các doanh nghiệp là mong sớm hoàn thành khối lượng công việc cuối năm.
Còn Công ty TNHH Thắng Lá đầu tư xây dựng bến tàu, cảng bốc dỡ và bãi tập kết hàng hóa rộng trên 7.000m2. Phạm vi vùng nước của Bến cảng có chiều dài 100m dọc theo bờ, chiều rộng 10m tính từ mép bờ trở ra. Khả năng tiếp nhận các loại phương tiện đường thủy của Bến với mức nước đầy tải lên tới 1,5m, dễ dàng cho các tàu, thuyền, xà lan ra, vào hoạt động. Được biết, để mở rộng kinh doanh dịch vụ cảng, đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa ngày càng cao, Công ty TNHH Thắng Lá đã mua lại toàn bộ bến cảng Chiến Công với diện tích cả chục nghìn mét vuông từ Hợp tác xã Công nghiệp và vận tải Chiến Công. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty thì thời điểm này, đơn vị đã huy động thêm nhân lực trực tiếp điều hành công việc tại hai bến để không bị chậm hàng, thiếu hàng của khách. Tuy là điểm chuyên bốc, xếp hàng hóa thông thường, nhưng đơn vị rất quan tâm đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng công suất bốc, xếp. Hiện, Công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống băng tải hiện đại nhất cùng các dây chuyền tiếp nhận, chuyển hàng quy mô lớn.
Bến cảng Vượng Hương cũng vậy, thời điểm này xe vận tải vào ra nườm nượp chuyển hàng hai chiều lên xuống đi tiêu thụ. Hàng hóa qua bến chủ yếu là vật liệu xây dựng, khoáng sản, hàng nông sản… Theo ông Nguyễn Văn Vượng, chủ bến cảng Vượng Hương, thời điểm này mật độ luân chuyển hàng hóa qua bến cảng thường tăng gấp 1 đến 2 lần so với những tháng trước.
Cụm cảng Đa Phúc hiện đang có trên 10 bến bãi được cấp phép và hoạt động khá hiệu quả. Trung bình mỗi tháng, mỗi điểm bốc, xếp hàng hóa tại đây quản lý, khai thác từ 30 nghìn tấn hàng hóa trở lên. Lúc cao điểm, lượng hàng bốc, xếp, vận tải ở mỗi điểm tăng lên tới 50 nghìn tấn. Đối với một số bến cảng thuận lợi, số lượng hàng hóa có thể đạt đến 60 nghìn tấn/tháng. Với những bến cảng uy tín có thể cùng lúc ký được hợp đồng ổn định và dài hạn với các bạn hàng tiềm năng. Được biết có đơn vị đã ký hợp đồng luân chuyển hàng hóa hai chiều cả với Công ty Kinh doanh Than Bắc Thái, Nhà máy Xi măng Quang Sơn, La Hiên, Quan Triều và trên 10 đơn vị, doanh nghiệp khác.
Do nhu cầu luân chuyển hàng hóa tăng cao nên một số bến cảng bốc, xếp hàng hóa tại Đa Phúc đã thực hiện luôn cả nhiệm vụ vận tải hàng đến và đi nhằm đảm bảo tiến độ cho các chủ hàng. Đơn vị ít cũng có từ 2 đến 4 xe vận tải, đơn vị nhiều thì 8 đến 10 xe. Các tài xế thường xuyên ra vào khu vực cảng Đa Phúc cho hay, việc vận chuyển hàng hóa tại đây là rất thuận lợi bởi có hệ thống băng tải, máy xúc, máy ngoạm hoạt động tích cực. Việc giao, nhận hàng cũng theo một quy trình bài bản, khoa học, nên dù có đông xe ra vào, tàu thuyền có nườm nượp, hàng hóa vẫn không bị ùn ứ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Mạnh Cường, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên cho hay, khu vực Cảng Đa Phúc đang được xem là điểm trung chuyển, lưu thông hàng hóa quan trọng của tỉnh. Do là cảng đường sông duy nhất của tỉnh nên mọi hoạt động kết nối vận tải đường thủy của tỉnh gần như đều qua đây. Cảng Đa Phúc có hai tuyến vận tải quan trọng, một nối với Hải Phòng dài 161km và một nối với Hòn Gai (Quảng Ninh) dài 211km. Ngoài ra, Cảng còn gắn kết với một số cảng đường thủy nội địa khác, tạo ra một hệ thống liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành trong khu vực.
Mặc dù hiện nay công tác quản lý, vận hành bến Cảng Đa Phúc vẫn còn những khó khăn, tồn tại, song thực tế đây đang là khu vực kinh tế khá quan trọng, góp phần lưu thông hàng hóa của địa phương. Do đó, việc quan tâm quy hoạch và đầu tư phát triển kinh tế cảng thủy nội địa đang là yêu cầu đòi hỏi cần thiết hiện nay.