Giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất - đó là cách làm của các mô hình giảm nghèo do Trạm Khuyến nông huyện Đại Từ triển khai thực hiện. Với cách làm này, bằng số tiền hỗ trợ không nhiều, song đã trao cho các hộ nghèo chiếc “cần câu” để có thể thoát nghèo bền vững.
Bà Trần Thị Dinh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đại Từ cho biết: Điểm đặc biệt của các mô hình giảm nghèo do Trạm triển khai là căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tế từng địa phương để xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất. Sau khi xây dựng mô hình, cán bộ khuyến nông luôn sát cánh cùng từng hộ dân để hướng dẫn về kỹ thuật thâm canh, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh.
Nhờ có sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ khuyến nông, nên những mô hình giảm nghèo do Trạm triển khai đã đem lại hiệu quả cao. Đó là các mô hình chăn nuôi gà, vịt, cấy lúa. Mô hình đầu tiên Trạm Khuyến nông huyện triển khai tại xã Na Mao, đây là xã khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Thời điểm trước khi triển khai mô hình, toàn xã có trên 850 hộ, trong đó có tới trên 360 hộ nghèo, chiếm 42,5%, số hộ cận nghèo trên 180 hộ. Là xã thuần nông nên sản xuất nông nghiệp mang tính tự phát, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Để thay đổi tập quán canh tác, Trạm đã lựa chọn mô hình cấy lúa lai và nuôi giống gà mía lai. Mô hình có quy mô 2.000 con gà mía lai với 27 hộ ở 11 xóm tham gia chăn thả, 45 hộ ở 13 xóm thực hiện cấy giống lúa lai Syn6 và Q.ưu số 1 với diện tích 11,5ha. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% giống, thức ăn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là được tâp huấn khoa học kỹ thuật. Sau 1 năm thực hiện mô hình, đã giúp các hộ nông dân nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, số hộ nghèo của xã giảm được 10,4%, còn trên 340 hộ, trong đó 70 hộ nghèo tham gia thực hiện mô hình thì có 53 hộ thoát nghèo.
Tương tự như vậy, đối với xã đặc biệt khó khăn Phúc Lương, căn cứ vào điều kiện tự nhiên của xã, Trạm Khuyến nông huyện đã chọn mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm bán công nghiệp. Tổng số 1.600 con gà giống với 20 hộ tại các xóm: Na Khâm, Phúc Sơn, Hàm Rồng, Bắc Máng, Na Đon, Cây Hồng, Cây Ngái, Cỏ Rôm tham gia. Tổng kinh phí mô hình là trên 178 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại bà con đối ứng. Sau lứa đầu tiên, mô hình đã khẳng định được hiệu quả, với số thu gần 12 triệu đồng/hộ/lứa, trừ chi phí lãi gần 3 triệu đồng/hộ/lứa. Kết quả này đã bước đầu khẳng định tính phù hợp của mô hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của xã.
Sau khi thoát nghèo, có của ăn của để, nhiều hộ dân tiếp tục tái đàn và chuyển đổi sang các mô hình khác có giá trị kinh tế cao hơn như chăn nuôi lợn, trâu, bò… như gia đình chị Phạm Thị Hiên, xóm Phúc Sơn. Chị Hiên là hộ đơn thân, một mình nuôi con đang tuổi ăn tuổi học, trong khi gia đình chỉ có 1 sào ruộng và 1 sào chè cằn. Vì điều kiện, chị có chăm chỉ làm lụng cỡ nào cũng chỉ đủ đồng rau, đồng mắm, mãi vẫn không thể xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo. Đến năm 2015, nhờ tham gia mô hình giảm nghèo do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện, chị được hỗ trợ 80 con vịt giống, cùng với thức ăn chăn nuôi và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc đàn vịt. Chỉ 50 ngày sau, gia đình chị đã được thu lứa đầu tiên với trọng lượng trung bình 3kg/con, bán được hơn 10 triệu đồng. Ngay sau đó, chị tiếp tục tái đàn nuôi lứa thứ 2 và tích cóp được lưng vốn, chị đầu tư mua 1 con lợn nái. Đến nay, không những thoát nghèo mà kinh tế gia đình chị Hiên đã được ổn định.
Ngoài gia đình chị Hiên, ở xóm Phúc Sơn ai cũng mừng cho gia đình anh Trần Văn Nam. Gặp anh Nam đang chăm sóc đàn lợn nái của gia đình, anh phấn khởi: Tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay đều từ đàn vịt giảm nghèo mà ra cả. Trước năm 2015, gia đình tôi vẫn thuộc diện nghèo, sau khi được hỗ trợ mô hình chăn nuôi vịt, tôi đã có kinh nghiệm, kiến thức và tích cóp vốn để mở rộng quy mô đàn lợn. Khi kinh tế đã vững, tôi đầu tư mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Hiện nay, mỗi lứa tôi chăn trên 100 con lợn thịt, có thời điểm lên đến 120 con và trong chuồng lúc nào cũng có 10 đầu nái. Với mô hình này, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, đến nay tôi vẫn duy trì chăn nuôi vịt với quy mô khoảng 100 con/lứa.
Từ kết quả của các mô hình trên đã khẳng định được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương một cách bền vững. Năm nay, Trạm sẽ tiếp tục triển khai mô hình tại xã Bản Ngoại. Trước đây, tại đây đã có một số hộ nuôi chim bồ câu, nhưng quy mô nhỏ. Ưu điểm của việc nuôi chim là không tốn diện tích, có thể tận dụng thức ăn tại chỗ. Vì vậy, Trạm đã lựa chọn triển khai mô hình nuôi chim bồ câu với 10 hộ dân tham gia, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 24 đôi chim giống. Hiện nay, Trạm đã chọn xong số hộ và bà con đang làm chuồng, dự kiến giữa tháng 9 sẽ cấp giống.
Hy vọng với việc tập trung phát triển sản xuất theo quy mô kinh tế hộ gia đình, phù hợp với điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội của từng địa phương… Thông qua các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, người dân nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Đó chính là những yếu tố cơ bản để các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế theo hướng bền vững.