Đầu tháng 9 âm lịch, cánh đồng Bờ Ngòi, thuộc tổ dân phố Kim Thái, phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên) đã được phủ một màu xanh mướt của các loại rau màu vụ đông. Nhiều thửa ruộng vừa thu hoạch lúa khi sáng, buổi chiều đã được lên luống trồng rau cho kịp thời vụ.
Vừa gặt xong 2 sào lúa mùa, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, ở tổ dân phố Kim Thái đã tất bật làm đất để trồng rau bắp cải. “Giờ có máy móc hỗ trợ rồi, chỉ cần một ngày là tôi có thể làm xong hết các công đoạn cày bừa, lên luống và trồng rau” - chị Thơm vui vẻ nói. Ở thửa ruộng bên cạnh, chị Nguyễn Thị Quế cũng đang chăm sóc 5 sào rau bắp cải. Mùa nào thức ấy, trung bình mỗi năm gia đình chị trồng 4-5 vụ rau, từ cải canh, su hào, bắp cải đến dưa lê, dưa chuột. Theo chị Quế, trồng rau vất vả và cần đầu tư lớn hơn so với lúa nhưng bù lại lợi nhuận cũng cao hơn. Ví dụ như trồng 1 sào rau bắp cải với 1.000 gốc mất thời gian 2 tháng, nếu giá bán thuận lợi có thể thu được 5-6 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 4 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với gieo cấy lúa.
Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Ba Hàng cho biết: Mấy năm trở lại đây, cánh đồng Bờ Ngòi trở thành vựa rau lớn của địa phương. Với lợi thế địa hình bằng phẳng, chất đất tốt và hệ thống kênh mương cơ bản hoàn chỉnh, chúng tôi đã định hướng người dân chuyển từ gieo cấy lúa sang trồng cây mầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc hỗ trợ bà con được thực hiện thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, các mô hình giống mới và phân bón. Ngoài ra, khu vực này còn một lợi thế rất lớn là nằm ngay sát trung tâm thị xã nên việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng.
Thực tế, từ năm 2012 trở lại đây, T.X Phổ Yên là một trong những địa phương của tỉnh mất nhiều đất nông ngiệp để phục vụ các dự án công nghiệp, với khoảng trên 300ha. Do vậy, định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm đảm bảo sản lượng lương thực, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân là yêu cầu tất yếu. Chuyển từ trồng lúa sang rau mầu là một trong những hướng phù hợp. Hiện, trên địa bàn thị xã đã hình thành một số vùng rau chuyên canh như: Đông Cao, Hồng Tiến, Tiên Phong, Nam Tiến…với tổng diện tích trên 1.000ha. Bên cạnh sự chủ động chuyển đổi của người dân, các phòng và đơn vị chuyên môn của thị xã cũng thực hiện nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp. Cụ thể như Trạm Khuyến nông thị xã mỗi năm đều triển khai từ 3-5 mô hình sản xuất rau tại các vùng trọng điểm, giúp người dân làm quen với quy trình sản xuất an toàn, tiết kệm chi phí hơn. Anh Vũ Văn Mạnh, ở xóm Trại, xã Đông Cao cho biết: Gia đình tôi có truyền thống trồng rau từ lâu nhưng khi tham gia mô hình trồng rau an toàn vẫn thấy nhiều cái mới mà trước đây không biết. Tôi mới thử nghiệm 1 sào nhưng sắp tới sẽ nhân rộng và tin tưởng sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với trồng rau, những năm gần đây T.X Phổ Yên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống và mùa vụ lúa - cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện nay, tỷ lệ lúa lai và lúa thuần chất lượng cao trên địa bàn đã chiếm trên 80% diện tích. Đặc biệt là các giống chủ lực là: Syn 6, Thịnh Dụ 11, BTM1, TH3-4, Khang Dân đột biến… Kết quả, đã đưa năng suất lúa bình quân của thị xã từ 45 tạ/ha (trước năm 2010) lên khoảng 53 tạ/ha hiện nay. Tổng sản lượng thực cây có hạt trong năm 2016 đạt 60,5 nghìn tấn, vượt gần 10% so kế hoạch đề ra. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Trạm phó Trạm Khuyến nông thị xã thông tin: Điều đáng mừng là sau khi thực hiện các mô hình trình diễn giống lúa mới, tuy không còn được hỗ trợ nhưng nhiều hộ dân vẫn chủ động mở rộng diện tích. Điển hình như mô hình trình diễn lúa thuần chất lượng cao DQ11 tại xã Đắc Sơn vụ mùa vừa rồi, chúng tôi chỉ hỗ trợ 8ha nhưng người dân đã chủ động gieo cấy đến 25ha.
Góp phần nâng cao giá trị lĩnh vực trồng trọt của T.X Phổ Yên còn có sự đóng góp đáng kể của các mô hình trồng cây ăn quả, nhất là tại các xã miền núi phía Tây. Hiện, vùng cây ăn quả tập trung của xã Phúc Thuận đã hình thành với quy mô hơn 200ha. Nhiều hộ nông dân ở các xã Minh Đức, Thành Công, Tân Phú cũng đang thực hiện mô hình cải tạo vườn bãi kém hiệu quả bằng các giống cây ăn quả do Hội Nông dân Thị xã triển khai.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên khẳng định: Tuy là địa phương có sự phát triển “nóng” về công nghiệp nhưng chúng tôi không hề lơ là, mà luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có trồng trọt. Trong thời gian tới, rau màu và cây ăn quả sẽ là hai hướng chính trong phát triển trồng trọt của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Về cây rau, sẽ từng bước hình thành các vùng sản xuất an toàn tập trung để đủ điều kiện cung cấp sản phẩm cho các khu công nghiệp, nhất là bếp ăn của Nhà máy điện tử Samsung. Với cây ăn quả sẽ thực hiện quy trình thủ tục để xây dựng thương hiệu vùng cây ăn quả Phúc Thuận, đồng thời mở rộng diện tích các cây ăn quả có giá trị, dễ tiêu thụ và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.