Hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng

17:34, 13/10/2016

Với gần 170 nghìn ha rừng các loại (gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng), Thái Nguyên có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh chưa quan tâm tới việc nâng cao năng suất rừng trồng. Do đó, hiệu quả kinh tế đạt được từ trồng rừng chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Ông Phạm Văn Xuân, xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho biết: Gia đình tôi hiện có 2ha rừng trồng cây keo lai. Qua hơn chục năm đầu tư cho loại cây trồng này, tôi thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đem lại chưa được như mong muốn. Chúng tôi phải đầu tư giống, công trồng rừng nhưng sau khoảng 7-8 năm mới được khai thác. Tại thời điểm này, giá mỗi ha keo lai bán được khoảng 100 đến 140 triệu đồng (tuỳ vào chất lượng gỗ khai thác). Nếu tính toán cụ thể, mỗi năm, chúng tôi chỉ thu được khoảng 15 đến 20 triệu đồng/ha.

 

Đúng như chia sẻ của ông Xuân, hiện nay, năng suất rừng trồng của tỉnh đạt thấp, bình quân mỗi ha rừng mới đạt 10-12m3/ha/năm. Nguyên nhân là do người dân chưa thật sự coi trọng phát triển kinh tế rừng; chưa có sự đầu tư thoả đáng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá (Võ Nhai): Lâu nay, người dân chỉ đầu tư giống cây, công trồng chứ chưa quan tâm đến việc chăm sóc, bón phân cho diện tích rừng trồng. Trồng rừng theo cách này đồng nghĩa với việc người dân đang “bóc lột” đất, làm nghèo kiệt đất rừng. Vì vậy, cây chậm lớn, sinh khối ít nên sản lượng gỗ thu được chưa cao. Tôi cho rằng để nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, chúng ta cần phải nâng cao năng suất rừng trồng.

 

Với tiềm năng hiện có, năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh có thể đạt từ 15-20m3/năm. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất rừng trồng, trong thời gian tới, tỉnh cần chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn theo hình thức tỉa thưa điều chỉnh mật độ, không gian dinh dưỡng của rừng. Sử dụng nguồn giống từ những loài và xuất xứ tốt, từ những cây trội đã được chọn lọc có chất lượng phù hợp đất đai, khí hậu, chống chịu được sâu bệnh, mọc nhanh cho năng suất cao, phẩm chất tốt như keo tai tượng Úc, bạch đàn ưu trội, keo lai có triển vọng. Tập trung thâm canh những diện tích rừng hiện có, trong đó đặc biệt quan tâm tới kỹ thuật làm đất, bón phân, trồng rừng đúng thời vụ. Từ sau khi trồng đến lúc rừng thành thục, người trồng rừng cần thường xuyên phát thực bì, làm cỏ, vun xới gốc từ 3 - 5 năm đầu, tỉa thưa sau khi rừng khép tán;  làm tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng trồng của gia đình...

 

Cùng với những giải pháp nêu trên thì các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện tốt việc hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp, có chính hỗ trợ đầu tư về cây giống, vật tư, phân bón và các chi phí thiết kế, kỹ thuật, quản lý... cho các diện tích rừng trồng; miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất đối với những diện tích trồng rừng, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn nhằm giảm bớt khó khăn, chi phí cho các tổ chức, công ty lâm nghiệp.

 

Ngoài ra, tỉnh nên có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong khai thác sử dụng rừng; điều chỉnh giá tính tiền thuế tài nguyên đối với gỗ nhỏ và tiền củi giúp chủ rừng có lợi nhuận để tái đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn đổi mới, đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, tạo ra những sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và xuất khẩu.

 

Có thể khẳng định, nâng cao năng suất rừng trồng theo hướng thay đổi cách tiếp cận tổng hợp bằng chuỗi hành trình của sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu, cho tới khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là một việc làm rất cần thiết. Qua đó sẽ nâng cao chất lượng rừng góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng. Đồng thời, góp phần cải tạo rừng, khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, nhằm gia tăng các giá trị sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Đặc biệt, nâng cao năng suất rừng trồng là tiền đề để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020...