Người đưa giống cam Vinh lên đất Yên Ngựa

08:29, 10/10/2016

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiên phong đưa giống cam Vinh về trồng tại địa phương, gia đình anh Hoàng Văn Bạo, ở xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Từ thành công của gia đình anh, hàng chục hộ dân trong vùng đã học tập và làm theo mô hình trồng giống cam này.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã vào thăm vườn cam của gia đình anh Bạo, chúng tôi như bị cuốn vào bạt ngàn những gốc cam được trồng thẳng tắp, đều đặn được anh dày công chăm sóc. Ngừng tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh niềm nở trước những vị khách không hẹn trước. Đưa chúng tôi dạo vòng quanh vườn cam trĩu quả, anh chia sẻ về những năm tháng thăng trầm với cây cam Vinh này. Sinh năm 1969, trong một gia đình nghèo có đông anh em, anh Bạo sớm phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Sau khi lập gia đình, được bố mẹ cho một mảnh đất, hai vợ chồng anh ra ở riêng. Cũng như nhiều hộ dân khác ở trong vùng, kinh tế gia đình anh lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào trồng ngô, trồng sắn. Qua nhiều năm làm lụng vất vả nhưng vẫn không thoát nổi cái đói, cái nghèo. Anh tự nhủ, cứ đi theo lối mòn thì không thể khấm khá lên được, phải tìm một hướng đi mới.

 

Năm 2004, trong một lần về thăm người bà con tại xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên), anh nhận thấy mô hình cây ăn quả, nhất là giống cam Vinh được người dân nơi đây trồng nhiều, cho lợi nhuận cao. Anh bắt đầu tìm hiểu, tham khảo kỹ thuật trồng, chăm sóc giống cam này. Trở về nhà, anh mạnh dạn dùng số vốn 50 triệu đồng tích cóp được để chuyển đổi toàn bộ diện tích gần 6.000 m2 đất trồng ngô và sắn sang trồng hơn 1.000 gốc cam Vinh. Vợ chồng anh ngày đêm cần mẫn chăm bón từng gốc cây, mong chờ đến ngày ra quả. Thế nhưng sau 5 năm, vườn cây vẫn cứ trơ trọi (trong khi thời gian đậu quả trung bình là 3 năm). Nhận định do quá trình nuôi trồng chưa làm đúng quy trình, kỹ thuật chăm bón, cách phòng trừ sâu bệnh. Anh tìm hiểu, tham khảo tại nhiều nơi, nhờ cán bộ Hội Nông dân đến kiểm tra để tìm nguyên nhân, truyền đạt kinh nghiệm. Sau giai đoạn đó, những cây cam của anh bắt đầu bói quả. Vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình anh thu được trên 15 tấn quả.  Anh chia sẻ: “Đó là giai đoạn khó khăn nhất đối với gia đình tôi. Đã có lúc tưởng như phải phá vườn cam để làm thứ khác vì trồng mãi không ra quả. 5 năm không có nguồn thu từ ruộng đồng, vợ chồng tôi phải đi làm thuê cật lực để duy trì vườn cam”.

 

Đến nay, với quy mô trên 1.000 gốc cam, mỗi năm gia đình anh được thu hoạch đều đều từ 25 - 35 tấn quả, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 600 triệu đồng. Cây cam Vinh của anh sai quả, quả có mã đẹp, ăn lại thơm và ngọt, được nhiều người ưa chuộng. Thương lái từ các nơi như T.P Thái Nguyên, Hà Nội... về thu mua nhiều. Từ thành công bước đầu, năm vừa qua, anh mở rộng mô hình trồng bưởi Diễn với 500 gốc, hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến thành công.

 

Không chỉ là người tiên phong và thành công trong việc đưa giống cam Vinh về trồng trên mảnh đất quê hương mình, anh Bạo còn thường xuyên khuyến khích, chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các hộ gia đình khác trên địa bàn xóm, xã. Ông Phạm Văn Giản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng cho biết: “Xóm Yên Ngựa hiện có trên 40 hộ làm theo mô hình kinh tế của gia đình anh Bạo, với mỗi hộ trồng từ 300 - 700 cây cam Vinh. Mô hình trồng cam Vinh cũng được nhân rộng trên địa bàn xã, đã và đang phát triển đem lại nguồn thu lớn cho bà con nông dân. Gia đình anh Hoàng Văn Bạo là hộ đi tiên phong và điển hình có thu nhập cao từ trồng giống cây này”.