Nỗi niềm của giám đốc 3 quỹ

08:26, 06/10/2016

Làm giám đốc 3 quỹ, gồm: Phát triển đất; Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hiện ông Nguyễn Mạnh Hải có không ít nỗi niềm, bởi hiệu quả hoạt động của các quỹ thời gian qua chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều, nhưng chủ yếu lại do xuất phát từ chính các cơ chế, chính sách, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp…

Quỹ đầu tiên chúng tôi muốn đề cập là Quỹ Phát triển đất, được thành lập từ cuối năm 2010 theo Quyết định số 3135/QĐ-UBND và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11-2012. Quỹ có chức năng nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn và chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo Quyết định số 39/3012/QĐ-UBND ngày 2-11-2012 của UBND tỉnh về việc ban hành điều lệ tổ chức, hoạt động và quy chế quản lý, sử dụng Quỹ, thì mức vốn ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ đến năm 2015 là 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế đến cuối tháng 9-2016, Quỹ mới được tiếp nhận gần 156 tỷ đồng, trong đó tạm ứng năm 2016 là 40,5 tỷ đồng (được bổ sung từ nguồn thu khác của đơn vị). Từ khi thành lập đến nay, Quỹ thực hiện ứng vốn cho các đơn vị với số tiền hơn 226 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện thu hồi vốn gần 85,6 tỷ đồng. Hiện, số dư vốn ứng là 140,7 tỷ đồng và điều đáng nói là trong số dư vốn ứng này thì có tới 95 tỷ đồng đã trong tình trạng quá hạn từ 3 đến hơn 30 tháng.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, việc nhiều đơn vị nợ quá hạn đã khiến hoạt động của Quỹ trở nên kém hiệu quả. Lẽ ra sẽ có thêm nhiều dự án khác được ứng vốn để giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư hoặc có điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất…, nhưng vì số nợ nằm ở những dự án trước quá lâu làm cho những dự án sau bị mất cơ hội được ứng vốn. Đáng chú ý, trong số này có những đơn vị nợ quá hạn lên tới cả năm trời, thậm chí là gần 3 năm. Điển hình trong số này phải kể đến là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (BQLCDAĐTXD) huyện Phú Lương, nợ quá hạn gần 9 tỷ đồng từ tháng 12-2014; Trung tâm Phát triển Quỹ nhà - đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh nợ quá hạn gần 8 tỷ đồng từ tháng 7-2014; Bộ Tư pháp nợ quá hạn trên 16 tỷ đồng từ tháng 6-2015; BQLCDAĐTXD T.P Sông Công nợ quá hạn trên 4,6 tỷ đồng từ tháng 6-2015. Ngoài ra là một số đơn vị khác cũng đã quá thời hạn trả nợ từ 3 đến trên 6 tháng, như: BQLCDAĐTXD khu công nghiệp tỉnh (38,4 tỷ đồng); BQLCDAĐTXD thị xã Phổ Yên (trên 12 tỷ đồng); BQL dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên (gần 5,2 tỷ đồng)…

 

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính khiến việc thu hồi vốn của Quỹ gặp khó khăn là do các đơn vị chưa thực sự có trách nhiệm trong việc hoàn vốn cho Quỹ khi đến hạn. Những dự án giải phóng mặt bằng để bán đấu giá quyền sử dụng đất lẽ ra phải dành toàn bộ số tiền thu được vào việc hoàn vốn cho Quỹ trước khi nộp vào ngân sách (theo quy định tại Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg) nhưng hầu hết các địa phương lại không làm như vậy mà sử dụng tiền bán được đồng thời vào nhiều việc khác nhau, trong đó có phần nộp vào ngân sách. Một khó khăn khác trong hoạt động của Quỹ là nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ hiện mới đạt 52% kế hoạch vốn đến năm 2015.

 

Đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, mục đích thành lập là để bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11-2015, với số vốn điều lệ được cấp ban đầu là 30 tỷ đồng (kế hoạch là 100 tỷ đồng). Vậy nhưng, tính đến đầu tháng 10-2016, Quỹ mới thực hiện bảo lãnh cho được 1 DN, mặc dù số DN mong muốn được bảo lãnh khá nhiều. Nguyên nhân là do các điều kiện để DN được bảo lãnh quá khắt khe (không khác gì các điều kiện vay của ngân hàng), trong khi đó, DN lại phải trả lãi suất cao hơn vay ngân hàng (lãi ngân hàng cộng với phí bảo lãnh 0,8%/năm trả cho Quỹ). Đây được xem là một trong những bất cập cần sớm được quan tâm tháo gỡ.

 

Ra đời muộn nhất trong 3 quỹ, Quỹ Đầu tư phát triển chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2016. Quỹ được thành lập với mục đích tiếp nhận vốn từ những nguồn hợp pháp để cho vay, đầu tư vào dự án, thuộc danh mục kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện, vốn điều lệ của Quỹ là 100 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ cũng mới cho vay được 1  Dự án Nhà ở xã hội với số tiền 5 tỷ đồng và hoàn thành thủ tục cho vay 1 dự án, cũng với số tiền 5 tỷ đồng. Một số dự án khác đã được UBND tỉnh chỉ đạo cho vay, song do các dự án này chưa xác định được nguồn trả lãi theo quy định nên chưa giải ngân được.

 

Trước nhiều khó khăn trong hoạt động, ông Nguyễn Mạnh Hải cho rằng Chính phủ cần có những thay đổi, trong đó phải đưa ra quy định cụ thể mức trích tối thiểu bổ sung vốn hàng năm cho Quỹ phát triển đất; cùng với đó là có chế tài xử lý đối với các đơn vị ứng vốn đến hạn mà chưa hoàn vốn cho Quỹ. Đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cần đưa ra mức lãi suất hợp lý, sao cho mức lãi suất mà DN phải trả cho Quỹ và ngân hàng nhỏ hơn hoặc bằng lãi suất DN vay thông thường tại ngân hàng; có hướng dẫn cụ thể về tài sản đảm bảo, để có sự thống nhất trong cách hiểu giữa Quỹ với ngân hàng và DN. Còn đối với Quỹ đầu tư phát triển, do nguồn ngân sách địa phương cấp cho Quỹ hạn hẹp, tỉnh cần đề nghị Bộ Tài chính tạo điều kiện cho Quỹ được vay lại nguồn vốn ODA với mức lãi suất ưu đãi. Đối với tỉnh, cần cấp đủ vốn điều lệ cho các quỹ theo các văn bản đã quy định (Quỹ Phát triển đất hiện mới được 155/300 tỷ đồng, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được 30/100 tỷ đồng; Quỹ đầu tư phát triển được 100/200 tỷ đồng); chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc hoàn trả số dư nợ Quỹ theo đúng cam kết…