Thời gian qua, thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam đang chứng kiến làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường khác nhau của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan,… Ðiều này khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) trong nước lo lắng về nguy cơ sẽ mất chỗ đứng, dần bị thâu tóm và triệt tiêu.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ cạnh tranh, chính nhờ những "cú đấm" của DN nước ngoài đã khiến cho các DNBL trong nước "bừng tỉnh", phải thay đổi, thích nghi và chuyển động theo luật chơi quốc tế.
Cạnh tranh gay gắt
Hiện Việt Nam đang được đánh giá là một trong những TTBL năng động và hấp dẫn nhất khu vực châu Á và thế giới. Với sự mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập cùng sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới tại Việt Nam đã khiến sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng tăng đối với các DN Việt.
Theo công bố mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Ðức (GKF), năm 2015, TTBL Việt Nam đạt doanh thu hơn 100 tỷ USD, dự kiến năm 2016 sẽ cao hơn rất nhiều. Mặt khác, các chuyên gia cũng đều cho rằng, với số dân hơn 90 triệu người cùng tốc độ tăng trưởng luôn đạt hai con số, TTBL của Việt Nam còn quá nhiều hấp dẫn. Ðây chắc chắn sẽ là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính vì tiềm năng hấp dẫn như vậy, cùng xu thế hội nhập toàn cầu, trong những năm qua, ngành bán lẻ Việt Nam đã thu hút rất nhiều các DN, tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào thị trường nội địa. Sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ như Aeon (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quốc), Central Group (Thái-lan),... được ví như một làn sóng đang quét qua TTBL Việt Nam. Tưởng rằng các DNBL trong nước sẽ chịu lép vế trước các đối thủ ngoại, tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy một số DN lớn, nhà bán lẻ trong nước đã không chấp nhận ngồi yên để chịu sự dẫn dắt từ DNBL nước ngoài mà đang tích cực chuẩn bị nhân lực, vật lực cùng những chiến lược dài hơi để sẵn sàng cho một cuộc chơi mới, cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của đến từ nước ngoài.
Có thể nói rằng, với làn sóng M&A, TTBL Việt Nam không còn là sân chơi riêng của DN trong nước mà trở thành "mảnh đất" hấp dẫn các "đại gia" bán lẻ nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia. Ðiều này làm gia tăng thách thức cho các DNBL nước ta. Bởi cái gì cũng có tính hai mặt, đối với M&A cũng vậy, M&A sẽ tích cực nếu DN chủ động, và xấu đi khi chúng ta mất dần một số thương hiệu, bị lấn sân, qua đó lợi nhuận của DN Việt Nam thay vì ở trong nước thì lại chảy ra nước ngoài. Trong tổng thể nếu Chính phủ, các hiệp hội, DN liên kết tốt để chủ động đón nhận thì M&A sẽ tiếp thêm sinh lực phát triển, và ngược lại, chúng ta có thể sẽ mất đi cơ hội, mất đi thị phần.
Giám đốc ma-két-tinh chuỗi siêu thị Saigon Co.op Mart Võ Hoàng Anh cho rằng, thời gian gần đây, hoạt động M&A trên TTBL Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn, đặt ra nhiều áp lực hơn cho các DN trong nước. Chính Saigon Co.op cũng đã quen với việc phải cạnh tranh với các DN nước ngoài từ nhiều năm trước.
"Với làn sóng M&A mạnh mẽ như hiện nay, chúng tôi đã phải tạo ra sự chủ động hơn, nghiêm túc hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Theo đó, chúng tôi đẩy mạnh mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ. Việc M&A vừa tạo ra sức ép cạnh tranh lớn để các DN Việt Nam có thể điều chỉnh chiến lược của mình, có thể bước đi mạnh mẽ hơn và có cơ hội học tập các DN nước ngoài", Giám đốc Võ Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ða dạng hóa kênh phân phối
Có thể thấy, nếu không chủ động tìm kiếm những hướng đi mới, DNBL trong nước sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này ngày càng mạnh. Nhìn một cách khách quan, DNBL trong nước còn thua kém nhà đầu tư nước ngoài nhiều mặt. Tuy đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu...
Ðể tồn tại được trong đấu trường cam go này, trước tiên các DN trong nước phải tự tìm chỗ đứng cho chính mình bằng những hướng đi mới. Ðồng thời, nên chú trọng hơn tới việc thương mại điện tử (TMÐT), bán hàng đa kênh, ứng dụng khoa học - công nghệ và các giải pháp trực tuyến trong việc quản lý hàng hóa, đơn hàng.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Ðinh Thị Mỹ Loan khẳng định, hình thức bán lẻ đa kênh cả trực tuyến (online) lẫn truyền thống (offline) sẽ là xu hướng phát triển tất yếu. Bởi TMÐT ở Việt Nam không phải là điều xa lạ, hầu như tất cả các DN có kinh doanh tổng hợp đều đã áp dụng hình thức bán lẻ trực tuyến từ nhiều năm nay. Và có thể khẳng định, đây không phải là một "món dễ xơi".
Nhìn chung DN đang phải chật vật vô cùng, tưởng như dễ mà rất khó để đạt được hiệu quả. Lý do là bởi, khi mà lòng tin người tiêu dùng vốn đã "mong manh" nay lại bị đổ vỡ với sự việc tài khoản Ngân hàng Vietcombank của khách hàng tự dưng bị mất tiền thì lòng tin với TMÐT sẽ càng yếu dần. Ðây chính là một trong những lý do mà hình thức bán lẻ TMÐT và bán lẻ trực tuyến chưa được phát triển. "Không ở đâu TMÐT lại "vui" như ở Việt Nam, khi đã xem hàng, chọn hàng trên mạng in-tơ-nét nhưng lại được giao hàng và thanh toán bằng tiền mặt ngay tại nhà. Nếu cứ bán lẻ trực tuyến "kiểu Việt Nam" như vậy chúng ta sẽ không thể phát triển được. Bởi trên thế giới hiện nay đã tiến hành bán lẻ trực tuyến và bán lẻ tại cửa hàng", Chủ tịch Hiệp hội Ðinh Thị Mỹ Loan cho biết thêm.
Có thể nói, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam ngày càng gia tăng khi các nhà phân phối nước ngoài ồ ạt đầu tư vào thị trường nước ta để giành thị phần. Sức ép này buộc các DNBL trong nước phải xem lại mô hình kinh doanh, đồng thời chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực để sẵn sàng cạnh tranh, có sự khác biệt so với DN nước ngoài. Do đó, để phát triển bền vững thì mỗi DN cần nghiên cứu trước thị trường và định hướng riêng cho DN mình; đưa ra chiến lược kinh doanh hợp lý, phù hợp mọi đối tượng khách hàng.
Cần có kế hoạch tập trung nguồn hàng và hợp tác sâu với cơ sở sản xuất trong nước, có đơn hàng bao tiêu và có sự trao đổi, phản ánh về thị trường. Cùng với đó, cần mở rộng phương thức bán hàng đa kênh, vừa online vừa bán hàng theo kiểu truyền thống để phục vụ mọi đối tượng khách hàng khác nhau. Từ đó, khi hệ thống bán lẻ đã đủ mạnh, nên dần chuyển dịch sang thị trường ngách về nông thôn để hàng hóa được đưa tới tận tay người tiêu dùng.