Những ngày qua, nhiệt độ bắt đầu giảm mạnh xuống tới 15 độ C, khiến sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút. Để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp - PTNT đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống đói rét nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
Trong vài năm trở lại đây, mỗi khi bước vào mùa đông, người dân lại lao đao bởi những đợt rét đậm, rét hại, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi gia súc, gia cầm nói riêng. Điển hình như trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, toàn tỉnh đã có 102 con trâu, bò, lợn và 232 con dê bị chết do thời tiết. Nhiều gia đình vừa thoát khỏi cảnh nghèo nay lại trở về đói nghèo do thiên tai. Nếu chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống một cách hài hòa, chắc chắn sẽ giảm tối đa sự tổn thất cho người dân. Chính vì vậy, mới bắt đầu vào mùa đông năm nay nhưng ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực. Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại địa phương; thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống đói rét. Trong đó, chú trọng các xã có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét, dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Đến thăm trang trại chăn nuôi gà của gia đình bà Mạc Thị Sáu, ở xóm Cầu Đá, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy hệ thống chuồng trại đã được che chắn bằng phên, bạt để chống gió lùa. Bên trong chuồng, bà Sáu đã lắp bổ sung thêm bóng tròn để sưởi ấm cho đàn gia cầm trong những ngày trời rét đậm. Bà Sáu chia sẻ: Nhà tôi nuôi hơn 7 nghìn con gà. Bắt đầu vào mùa đông, gia đình tôi cho gà ăn đủ chất và lượng, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng. Đồng thời, bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, chúng tôi còn tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm, đặc biệt là: Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro và định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid… theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Còn ông Dương Văn Cúc, một hộ dân ở xóm Trại, xã Úc Kỳ (Phú Bình) thì cho biết: Nhà tôi có 3 con bò, là cả cơ nghiệp của gia đình. Vì thế, những ngày trời rét đậm, ngoài dự trữ rơm rạ, gia đình tôi còn cho bò ăn thêm bột ngô, sắn, cám và cho uống nước muối ấm để cung cấp đủ dinh dưỡng. Chuồng trại cũng đã được gia cố, che chắn, đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ướt nền chuồng.Tôi cũng dự trữ sẵn củi, trấu để đốt, sưởi cho đàn bò và không chăn thả ngoài trời, không cho trâu, bò làm việc khi nhiệt độ dưới 12 độ C. Để phòng chống dịch bệnh, gia đình tôi cũng tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin như: Tụ huyết trùng,Lở mồm long móng…
Song song với chủ động phòng chống rét cho gia súc, các địa phương và người chăn nuôi hiện cũng đang tập trung công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh khi thời tiết giao mùa. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống và công tác kiểm soát giết mổ động vật, khi có dịch bao vây kịp thời, khống chế hiệu quả, tuyệt đối không để dịch bệnh lan rộng.
Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y: Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Kiểm tra, rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả khi có dịch xảy ra. Ngoài ra, Chi cục cũng tăng cường kiểm dịch vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, nhất là trong thời gian gần Tết Nguyên đán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đối với các trạm chăn nuôi - thú y cần hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh thú y, phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, không để dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh gây hại.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng, thủy văn Trung ương, những tháng cuối năm 2016, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp; xuất hiện mưa, rét đậm, rét hại và ẩm độ cao. Cùng với đó, việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng mạnh trong dịp cuối năm làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, cùng với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, người dân cũng cần thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thông tin thời tiết để giữ cho đàn vật nuôi phát triển ổn định.