Tháng Mười Một, sớm dậy, rét đã chà khắp da thịt. Nhưng độ sắp trưa, mặt trời vượt khỏi đỉnh núi, từ trung tâm xã Thượng Nung (Võ Nhai) lên các lũng người Mông sinh sống; hoặc đến các bản người Tày, người Dao, chúng tôi mặc phong phanh chiếc áo sơ mi là vừa đủ độ thấm mồ hôi.
Vùng cao là thế, phức tạp cả địa hình lẫn thời tiết. Độ 10 năm về trước, nhắc tới Thượng Nung là cán bộ huyện, tỉnh nghĩ ngay đến một vùng đất nghèo “gánh” trên lưng “cặp bài trùng” đói và đẻ. Lý do biện minh cho “sự đói” và “cái đẻ” được viện dẫn vì giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp, đồng bào thiếu vốn làm ăn, một số tập quán lạc hậu còn tồn tại trong cuộc sống của đồng bào.
Hôm nay gặp lại, ông Ma Hành Du, người có uy tín ở bản người Mông Lũng Cà, bảo: Chuyện ấy cũ rồi. Bây giờ các bản người Mông đã có đường bê tông từ chân núi lên; trẻ nhỏ có lớp học chắc chắn; giao thông thuận lợi, thầy, cô giáo cũng gắn bó hơn với điểm trường.
Ông Lương Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Thượng Nung có 7 xóm, với 489 hộ, 2.666 nhân khẩu, 99% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Tày, Mông, Dao. Nguồn thu nhập chính của đồng bào từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ do địa phương phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức, đồng bào được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mới, chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi.
Đồng chí Ma Khánh Tăng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ở xã, số hộ có mô hình kinh tế đạt tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/năm không nhiều nhưng có thể coi đó là điểm sáng trong phát triển kinh tế hộ của xã. Chuyện xóa đói, giảm nghèo, ông Lương Văn Đỗ, cán bộ văn hóa xã cho chúng tôi biết thêm tin vui: Từ năm 2011 đến nay, xã Thượng Nung có 86 hộ thoát nghèo, riêng năm 2016 có hơn 20 hộ được xóa tên trong danh sách hộ nghèo. Một số hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ tiền, bà con chòm xóm giúp đỡ ngày công lao động đã làm được nhà mới để ở.
Ông Lý A Dinh, người có uy tín ở bản người Mông Lũng Hoài, bảo: Cán bộ Đảng năng về với dân, gần dân, hiểu dân, thì chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước dễ dàng đi vào cuộc sống của đồng bào… Ông Hà Thanh Hải, cán bộ Tư pháp xã tâm đắc: Cũng từ gần dân, hiểu dân, chính quyền địa phương nắm bắt được tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, nên đã tuyên truyền vận động và ngăn chặn kịp thời việc hoạt động trái phép của tổ chức Dương Văn Mình, một tổ chức không được Nhà nước cho phép hoạt động. Còn ông Lý Văn Sinh, Trưởng bản người Mông Lũng Luông bảo: Do được cán bộ Đảng, Nhà nước về tuyên truyền nên cái nghĩ của dân mình sáng ra. Khi Nhà nước vận động đồng bào hiến đất, làm đường bê tông, ai nấy phấn chấn ủng hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban Dân tộc tỉnh): Tháng 5-2015, các tuyến đường bê tông từ trục đường chính của xã về các bản Lũng Cà, Lũng Hoài và Lũng Luông được thi công hoàn thiện, với tống chiều dài 7,5 km. Đây là công trình giao thông thuộc Đề án: “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”. Liên quan đến tuyến đường, 10 hộ dân bản Lũng Cà hiến 3.396m2; 18 hộ xóm Lục Thành hiến 3.557m2; 7 hộ xóm Lũng Luông hiến 3.527m2… Đi trên đường bê tông về bản, ông Ma Văn Nó (Lũng Cà) nói: Có đường to, lợn, gà, ngô của dân bản làm ra được đi xe máy, ô tô. Còn các ông: Lý Văn Chả, Sùng Văn Khín, Trần Văn Khìn, bản Lũng Luông bảo: Đất nương, đất đồi cho chúng tôi quả ngô to. Nhưng quả ngô ấy làm no bụng cho người một vài nhà, còn cái đường là của cả bản cùng dùng, vì thế chúng tôi không ngần ngại hiến đất của gia đình mình cho Nhà nước làm đường về bản.
Trên các trục đường, xe bánh lốp hằng ngày lên, xuống bản thay bước chân người mang dép tổ ong. Các xóm, bản nhà mái ngói dần thế chỗ cho nhà lợp lá tạm bợ. Ngoài đồng, trên nương, đồng bào đã trồng, cấy đại trà lúa, ngô giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đồng chí Ma Khánh Tăng cho chúng tôi biết thêm: Trong 5 năm gần đây, tổng sản lượng lương thực của xã đạt bình quân 1.528 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 500 kg/người/năm.
Nhìn những trục đường bê tông lựa thế núi lên bản, ông Lương Xuân Bích, nguyên Bí thư Đảng ủy xã (1987-1989) nói ôn tồn: Thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ hôm nay có trình độ, năng lực, năng động, dám nghĩ, dám làm, chúng tôi tin tưởng vào khả năng làm việc của lớp trẻ. Và họ đã làm nên sự đổi mới, khởi sắc cho chính quê hương mình.