Cựu chiến binh với phong trào thi đua làm giàu

08:03, 29/11/2016

Chuyện về chuyện làm giàu của các gia đình hội viên, ông Ma Công Như, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh (CCB) huyện Định Hóa tâm đắc: Toàn huyện có hơn 6.800 hội viên CCB, trong đó có hơn 700 gia đình hội viên đạt tiêu chí hộ giàu, nhiều CCB đạt tổng thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.

Để minh chứng lời mình nói, ông đưa chúng tôi đến thăm một số địa chỉ CCB triệu phú trong huyện. Cách làm việc đặc chất lính của ông Như, cuốn tôi vào cuộc. Chẳng do dự gì, tôi theo ông tìm về những “địa chỉ đỏ” của Hội CCB. Đó là những người thành đạt trong phát triển kinh tế gia đình. Họ là những doanh nhân, thương nhân hoặc là nông dân giỏi trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

 

Tiếp chúng tôi tại phòng khách, đồng thời là văn phòng làm việc của Công ty TNHH Vận tải hành khách và Du lịch Thành Bưởi, ngụ tại phố Trung Kiên, thị trấn Chợ Chu, Giám đốc Công ty, CCB Nguyễn Thành Bưởi cho biết: Hiện Công ty đang quản lý gần 40 đầu xe vận chuyển khách. Xe của Công ty đăng ký chạy nhiều tuyến trên các trục đường Bắc - Trung - Nam. Mỗi năm, Công ty đạt doanh thu 500 triệu đồng. Hơn 40 lao động làm việc tại Công ty có mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

 

Một CCB có cách làm khác với ông Bưởi, đó là ông Bùi Văn Hanh, xóm Văn Lương 2, xã Trung Lương. Từ hơn 10 ha đất đồi bãi cằn cỗi, vợ chồng ông xoay chuyển thành khu đất có giá trị, mỗi năm mang lại cho gia đình ông hơn 2 tỷ đồng.

 

Có được một cơ ngơi bạc tỷ như hôm nay, vợ chồng ông Hanh phải đổ nhiều mồ hôi, công sức để san bạt đồi, bãi, quy hoạch vườn tược. Chỗ đất bằng ông chăn nuôi lợn, gà; đám đất dốc thì trồng chuối, trồng quế và các loại cây lấy gỗ. Bằng phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông không chỉ đủ ăn, mà còn trở thành hộ giàu có tại địa phương. Và khi đã có của ăn, của để, ông tích cực giúp đỡ các CCB trong xã về vốn vay phát triển sản xuất, kinh nghiệm làm kinh tế trang trại. Nhờ sự giúp đỡ của ông, nhiều người đã có cuộc sống ổn định.

 

Về thôn Duyên Phú 2, xã Phú Đình, chúng tôi đến thăm gia đình CCB Đoàn Xuân Dương, chủ gia trại chăn nuôi tổng hợp. Ông Dương khiêm tốn nói: Mình là nông dân, nên việc chăn nuôi trâu, lợn rừng, gà đồi, hươu lấy nhung là việc trong tầm tay… Ông nói công việc chăn nuôi của mình nhẹ nhàng như chưa bao giờ phải đổ mồ hôi hạt, thức trắng đêm trông con lợn rừng, con hươu của nhà đang trở dạ đẻ. Do cách làm việc khoa học, nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông không bị dịch bệnh. Hỏi thu nhập hằng năm, ông mộc mạc bảo: Xê dịch từ 300 đến 500 triệu đồng/năm.

 

Cũng như nhiều triệu phú CCB trong huyện, ông Dương là người tích cực “ôm rơm” ở làng xã. Như tham gia vận động nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và giúp một số bà con kinh nghiệm chăn nuôi, vốn vay phát triển kinh tế không lấy lãi. Việc ông làm được cán bộ, nhân dân trong vùng trân trọng.

 

Theo số liệu tổng hợp của Hội CCB huyện: Từ nhiều năm gần đây, tại huyện Định Hóa, việc hội viên CCB giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng đã trở thành phong trào rộng khắp, đồng thời là động lực thi đua trong các cấp hội. Trong thời gian từ năm 2011 đến nay, Hội phối hợp với cơ quan chức năng của huyện và chính quyền các xã tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có: 120 lớp, với 3.550 lượt hội viên về công tác giảm nghèo, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; 138 lớp, với 2,386 hội viên về cách sử dụng hiệu quả tiền vốn vay đầu tư; 77 lớp, với 1.423 lượt hội viên về sản xuất gắn với môi trường; 83 lớp, với 3.829 lượt hội viên về xây dựng nông thôn mới…

 

Từ được trang bị, bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, những CCB tiên phong trên mặt trận làm giàu đã có nhiều ý tưởng sáng tạo trong phát triển kinh tế; đồng thời chủ động, tự tin khi đầu tư vốn cho việc làm giàu. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng huyện Định Hóa, đến nay, trên địa bàn của huyện có 28 doanh nghiệp, 260 cửa hàng kinh doanh, 2 trang trại, 212 gia trại chăn nuôi gia xúc, gia cầm và hàng trăm gia đình hội viên CCB làm nghề chế biến bóc, băm gỗ đạt thu nhập cao.

 

Trở lại xã Phú Đình thăm trang trại chăn nuôi của CCB Ma Đình Được, thôn Đồng Hoàng. Ông Được cho biết: Tôi đầu tư nuôi gà ta, gà sao, ba ba, lợn, nhím, dê, toàn con vật đồng bào mình vẫn nuôi từ xưa rồi, nhưng khác là tôi nuôi thả tự nhiên, nên giá thành cao, mỗi năm thu được gần 300 triệu đồng tiền lãi.

 

Còn nhiều nữa những triệu phú CCB ở Thủ đô gió ngàn. Họ có mặt và làm giàu trên nhiều lĩnh vực: chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh, buôn bán hoặc thành lập công ty để vươn ra thị trường lớn. Mỗi người chọn một cách khởi nghiệp, nhưng tôi nhận thấy ở các CCB có điểm chung là được tôi luyện trong quân ngũ; rồi khi về đời thường, luôn phát huy được phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”. Trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào, họ cũng không nản chí, kiên trì, chịu khó học hỏi và có cách làm khoa học, phù hợp với yêu cầu cuộc sống đặt ra. Họ xứng đáng là những bông hoa thơm nở giữa đời thường.