Từ năm 2014 đến nay, huyện Võ Nhai đã đưa cây thuốc lá ra khỏi danh mục cây trồng sản xuất vụ đông của địa phương, bởi trong tương lai, cây trồng này sẽ không còn phù hợp với chủ trương giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Thời gian qua, diện tích cây thuốc lá đã giảm mạnh nên hiện nay, chính quyền và người dân đang nỗ lực tìm cây trồng thay thế phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp.
Cây thuốc lá được người dân ở xã Lâu Thượng (Võ Nhai) trồng từ gần 40 năm trước. Tthời vụ trồng thuốc lá kéo dài 80 đến 90 ngày nên vẫn đảm bảo thời gian gieo cấy 2 vụ lúa trong năm nên được huyện Võ Nhai đưa vào danh mục cât trồng sản xuất vụ đông. Ông Ma Văn Giáp ở xóm Là Dương, xã Lâu Thượng cho biết: Cây thuốc lá được trồng từ lâu ở địa phương nhưng phổ biến nhất là từ năm 2005 đến 2011. Mặc dù việc chăm sóc cây thuốc lá vất vả nhưng giá trị kinh tế hơn hẳn những cây trồng khác nên gia đình tôi vẫn trồng. Nếu vụ nào được mùa, giá thu mua cao từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg thì một sào trồng cây thuốc lá cho thu nhập gần 2 triệu đồng…
Trong những năm từ 2009 đến 2011, ở hầu hết các xóm của xã Lâu Thượng đều trồng cây thuốc lá, với diện tích vài trăm héc ta, sản lượng đạt gần 1.000 tấn nên giá bán xuống thấp đến mức kỷ lục ( chỉ từ 10 nghìn đến 12 nghìn đồng/kg). Nguồn thu từ cây thuốc lá giảm mạnh nên nhiều hộ dân đã không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa. Đến nay, diện tích trồng cây thuốc lá chỉ còn lại chưa đầy 5ha và trồng chủ yếu ở xóm Là Dương. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng xóm Là Dương cho biết: Sau khi thu hoạch, người dân tự chế biến, sau đó, bán cho Chi nhánh Thuốc lá Ngân Sơn đóng trên địa bàn. Hiện nay, trong xóm chỉ có hơn 10 hộ dân còn trồng loại cây này vì đã ký hợp đồng với các đơn vị thu mua… Với xu hướng này, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, cây thuốc lá sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn ở địa phương.
Sau khi bỏ cây thuốc lá người dân đang từng bước chuyển sang các loại cây trồng khác, như: ngô, khoai tây và rau. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20ha đất được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác còn khoảng 300ha đất trồng cây thuốc lá trước đây chưa được người dân chuyển đổi mà bỏ không trong vụ đông. Anh Nguyễn Văn Hà, ở xóm La Hóa cho biết: Năm 2011, giá sản phẩm cây thuốc lá giảm mạnh, do nguồn cung cao hơn cầu. Từ đó đến nay, gia đình tôi chuyển sang trồng ngô và trồng thử nghiệm một số loại số cây trồng khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao nêu nhiều vụ gia đình tôi bỏ không canh tác…
Để đảm bảo diện tích gieo trồng trong sản xuất vụ đông, huyện Võ Nhai đã vào đang tìm những cây trồng phù hợp để thay thế cho cây thuốc lá. Bà Nguyễn Thị Mai Huyên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai cho biết: Do diện tích cây thuốc lá đã giảm mạnh nên năm 2014, huyện Võ Nhai đã quyết định đưa cây thuốc lá ra khỏi danh sách cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Ngay sau khi diện tích cây thuốc lá giảm, huyện đã hỗ trợ người dân trồng khoai tây theo Dự án bao tiêu sản phẩm với diện tích hơn 10ha nhưng do đất đã trồng thuốc lá nên khi trồng khoai tây thường bị chết, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Hiện nay, huyện đã quy hoạch hơn chục héc ta đất tại các xóm Cây Hồng và Là Dương để trồng rau an toàn và triển khai trồng cây dược liệu, như: gừng, nghệ, đinh lăng (mô hình trồng cây dược liệu đã thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Phú Thượng). Thời gian tới, huyện sẽ tuyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích những cây trồng này nhằm thay thế hoàn toàn cây thuốc lá.
Việc huyện Võ Nhai đưa cây thuốc lá ra khỏi danh mục cây trồng là chủ trương đúng để giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, để canh tác hiệu quả trong sản xuất vụ đông thì huyện cần tiếp tục hỗ trợ người dân và sớm đưa vào thay thế bằng các loại cây trồng mới phù hợp. Cùng với đó, người dân cũng cần chủ động đưa vào trồng các loại hoa màu, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ để không lãng phí quỹ đất…