Hướng tới phát triển mạng lưới bán hàng hiện đại

15:30, 18/11/2016

Khoảng 5 năm trở lại đây, mạng lưới siêu thị và cửa hàng tự chọn trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30 siêu thị và khoảng 60 cửa hàng tự chọn (với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng), doanh số bán hàng đạt từ 4 đến 5 nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh việc cung ứng rất nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, các siêu thị và cửa hàng tự chọn luôn cung cấp những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, tạo được niềm tin với người tiêu dùng (NTD).

Chị Lê Thị Thịnh, ở tổ 5, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi có thói quen mua sắm hàng hóa tại các siêu thị từ 5 năm nay. Bản thân tôi rất tin tưởng vào chất lượng các mặt hàng được bày bán trong siêu thị vì trên bao bì sản phẩm đều ghi rất rõ nguồn gốc xuất xứ, về giá bán cũng không đắt hơn nhiều so với ở chợ, thậm chí một số mặt hàng được bán với giá rẻ hơn.

 

Còn bà Nguyễn Thị Hồng, ở tổ 9, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) thì cho rằng: Tại các siêu thị hiện nay có đầy đủ những mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, bánh kẹo đến quần áo, giày dép, dụng cụ gia đình và các vật dụng khác phục vụ cho cuộc sống. Hàng hóa được sắp xếp, trưng bày theo chủng loại và nhu cầu của khách hàng, giúp NTD tiết kiệm được thời gian khi đi mua sắm.

 

Tương tự, các cửa hàng tự chọn cũng là điểm đến của rất nhiều NTD. Theo chị Nguyễn Thanh Thủy, ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên), tuy lượng hàng hóa không nhiều bằng siêu thị nhưng các cửa hàng tự chọn cũng cung ứng cho NTD nhiều loại hàng hóa đa dạng, phong phú. Lợi thế của việc mua sắm ở các cửa hàng tự chọn là không phải mất nhiều thời gian để thanh toán tiền như trong siêu thị. Thời gian mở cửa của các cửa hàng tự chọn khá dài (khoảng 16-18 giờ/ngày), giúp NTD dễ dàng mua sắm những mặt hàng cơ bản, đáp ứng nhu cầu của gia đình.

 

Về phía các siêu thị, cửa hàng tự chọn cũng rất nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Đơn cử như với siêu thị Minh Cầu ở đường Minh Cầu (T.P Thái Nguyên), trước nhu cầu được sử dụng những loại thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp này đã liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân trong tỉnh sản xuất nhiều loại rau, củ, quả và sản phẩm chè theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) để cung cấp cho NTD. Hay như siêu thị LanChi Mart, ở đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên), tuy mới khai trương khoảng 2 tháng nhưng đã thu hút được đông đảo khách hàng bởi ngoài việc cung ứng các mặt thiết yếu, siêu thị này còn kinh doanh đồ ăn nhanh và nhiều loại sinh tố giải khát phù hợp với thị hiếu của NTD…

 

Từ thực tế cho thấy, bên cạnh những tiện ích nêu trên thì điều đáng ghi nhận nữa là mạng lưới siêu thị và cửa hàng tự chọn trên địa bàn tỉnh đang góp phần đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến với người dân. Ngoài những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày (như gạo, dầu ăn, nước mắm, xà phòng…), các siêu thị, cửa hàng tự chọn còn cung cấp cho NTD nhiều mặt hàng sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng (như quần áo, giày dép, đồ gia dụng…). Ông Ngô Tất Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu (chủ quản siêu thị Minh Cầu) cho biết: Các mặt hàng có xuất xứ trong nước chiếm quá nửa lượng hàng hóa trong siêu thị của chúng tôi. Điều đáng nói là các mặt hàng này đang được NTD ưa chuộng. Đây là một tín hiệu tích cực, giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

 

Phát triển mạng lưới các siêu thị, cửa hàng tự chọn là một xu thế tất yếu của ngành dịch vụ phân phối; phù hợp và tác động tích cực tới quá trình hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển bền vững thị trường nội địa theo hướng hiện đại. Mặc dù vậy, hiện nay, mạng lưới siêu thị và cửa hàng tự chọn trên địa bàn tỉnh còn ít. Đặc biệt, tại các huyện như Phú Bình, Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ chưa phát triển các hệ thống bán lẻ này. Bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) cho rằng: Phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tự chọn là rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển số lượng, quy mô theo nhu cầu của người trong tỉnh thì cần tính đến cả nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong nước, quốc tế và khách vãng lai; đa dạng về loại hình, quy mô và phương thức kinh doanh. Cùng với đó, việc phát triển mạng lưới siêu thị, cửa hàng tự chọn phải bảo đảm sự cân đối, cấu trúc hài hoà với các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại khác như chợ, trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hoá, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi ở các khu dân cư. Việc phân bố mạng lưới này cần bảo đảm bán kính và không gian phục vụ để vừa thu hút được khách hàng, vừa đáp ứng được nhu cầu NTD, tránh cạnh tranh quá mức ở từng khu vực làm giảm hiệu quả đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh.