Khẩn trương cải tạo để khôi phục sản xuất

08:57, 15/11/2016

Sau nhiều năm ngừng hoạt động và có nguy cơ bị “xóa sổ” bởi nợ nần chồng chất, phải thanh lý tài sản để trả vốn vay ngân hàng, đến nay Công ty cổ phần (CP) Luyện cán thép Gia Sàng đã được “giải cứu”. Sau hơn 4 tháng tiếp quản, Công ty CP Thương mại Thái Hưng đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp để Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng chuẩn bị cho ra lò những sản phẩm thép xây dựng bảo đảm chất lượng.

Những lần trước xuống Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, chúng tôi phải chứng kiến khung cảnh hoang tàn từ trụ sở văn phòng Công ty đến khu vực sản xuất, còn những công nhân “trụ lại” thì ai cũng rầu rĩ vì không có việc làm, không lương, không chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT). Đến nay đã khác, toàn bộ Công ty như được “mặc chiếc áo mới” khi chủ đầu tư cho sửa chữa từ hàng rào đến phòng làm việc và sơn lại với màu vàng nhạt. Trong khu vực sản xuất, hàng nghìn tấn phôi thép đã được tập kết tại kho và ngoài bãi vận chuyển. Đặc biệt, dây chuyền cán thép có công suất 10 vạn tấn/năm (nhập khẩu từ Đức) đang được những cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề từng làm việc tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng kỳ công sửa chữa lại.

 

Ông Nguyễn Đại Nghĩa, người từng được cử đi học nghiệp vụ chuyên môn ở Đông Âu và giữ trọng trách Phó Quản đốc Phân xưởng Cán thép của Công ty cho biết: Do dây chuyền sản xuất đã ngừng hoạt động khá lâu và nhiều bộ phận bị tháo dỡ nên chúng tôi phải rà soát lại từng chi tiết, lên phương án sửa chữa, thay thế cho phù hợp. Khi cải tạo, nâng cấp xong, Phân xưởng Cán thép có thể đạt công suất từ 10 vạn đến 13 vạn tấn/năm. Còn ông Đỗ Đức Trọng, nguyên là Đốc công của Công ty đã nghỉ hưu, nay được nhà đầu tư mời trở lại làm việc và giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, cho biết thêm: Từ cuối tháng 7 vừa qua, bộ máy của Công ty đã được kiện toàn lại với tổng số 93 người, trong đó có hơn 30 người là cán bộ, công nhân của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng phải nghỉ việc khi đơn vị ngừng hoạt động, nay được gọi đi làm trở lại. Mặc dù chưa có sản phẩm bán ra thị trường nhưng mức thu nhập bình quân của người lao động trong Công ty hiện nay đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Để đáp ứng đủ nhân lực phục vụ sản xuất, cuối tháng 11 này, Công ty sẽ tuyển dụng thêm trên 100 cán bộ, công nhân nhưng ưu tiên người lao động đã làm việc tại Công ty có tay nghề tốt, sức khoẻ và ý thức kỷ luật cao. Đối với những lao động đã tìm được việc làm mới hoặc không có nhu cầu quay lại làm việc thì Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng lcùng với cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp giải quyết số tiền lương còn bị nợ, chế độ BHXH, BHYT và được nhà đầu tư mua lại cổ phần với giá trên 16 nghìn đồng/cổ phần. Những thiệt thòi của người lao động làm việc tại Công ty trước đây đã phần nào được bù đắp nên khi được hỏi ai cũng vui và cho biết đây là “cái kết có hậu” và mong Công ty sớm được phục hồi…

 

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, đưa Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng sản xuất ổn định trở lại, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã đồng ý nhượng thương hiệu TISCO miễn phí đối với một số loại sản phẩm. Như vậy, thương hiệu thép xây dựng TISCO sẽ thay thế hoàn toàn thương hiệu thép GSS của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng trước đây. Ông Nguyễn Văn Luân, Trưởng Ban Quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng cho biết: Toàn bộ phân xưởng luyện thép đã bị phá dỡ, không thể phục hồi được nên trong giai đoạn trước mắt, chúng tôi chỉ tập trung sản xuất thép cán xây dựng với các loại sản phẩm từ D14 đến D18 mang thương hiệu TISCO. Về cơ sở vật chất, đến đầu tháng 11 này, chúng tôi đã hoàn thành trên 90% khối lượng của Phân xưởng Cán thép; trạm điện 110KVA cũng đã khắc phục xong, được cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm và đánh giá đủ tiêu chuẩn vận hành. Các công trình hỗ trợ sản xuất và phúc lợi khác (như nhà ăn, trụ sở làm việc…) đã cơ bản được nâng cấp, sửa chữa. Vướng mắc nhất hiện nay đối với việc sản xuất của Công ty là thủ tục hành chính để đóng điện trạm 110KVA, chúng tôi rất mong được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam giúp đỡ.

 

Sau hơn 4 tháng thực hiện việc cải tạo, nâng cấp nhưng đến nay Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng vẫn chưa đi vào sản xuất được là chậm so với tiến độ kế hoạch của nhà đầu tư và sự mong mỏi của người lao động. Do đó, cùng với sự nỗ lực của nhà đầu tư, sự đoàn kết, quyết tâm của các cán bộ, công nhân viên trong Công ty, rất cần các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là ngành Điện khẩn trương vào cuộc, có trách nhiệm hơn nữa để doanh nghiệp này nhanh chóng đi vào sản xuất.