Khó tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

10:03, 23/11/2016

Tính đến nay, toàn huyện Võ Nhai có gần 30 hợp tác xã (HTX) chuyển đổi và thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm gần 40%. Theo mô hình hoạt động mới, các HTX phát huy vai trò “bà đỡ” trong liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho nông sản hiện vẫn đang là bài toán khó đối với phần lớn các HTX.

HTX Đồng Tâm (xã Tràng Xá) đăng ký 14 ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó chủ lực là chăn nuôi lợn và trồng bưởi Diễn, bí đỏ trên tổng, diện tích hơn 40 ha. Với khoảng 14ha bưởi Diễn, (gần 8.400 gốc bưởi), trung bình mỗi năm, HTX có thể xuất ra thị trường khoảng 300-400 tấn bưởi thương phẩm, giá 20-25 nghìn đồng/quả. Lợi thế của nông sản ở đây là đất đai phù hợp nên bưởi có vị ngọt đậm, ráo múi và mọng nước, còn bí đỏ thì đặc ruột, ít hạt. Mặc dù được đánh giá cao về chất lượng, song, sản phẩm của HTX Đồng Tâm vẫn khó về đầu ra, chủ yếu bán cho thương lái, dẫn đến bị ép giá. Riêng năm 2015, khoảng 40 tấn bí đỏ của HTX không có nơi tiêu thụ đã buộc phải đổ đi vì bị hỏng, cho dù trước đó đã hạ giá xuống chỉ còn 1-2 nghìn đồng/kg. Chị Hoàng Thị Nguyệt, thành viên HTX Đồng Tâm, cho biết: Năm ngoái, được mùa bí đỏ, gia đình tôi thu hơn 10 tấn bí. Những tưởng sẽ có thu nhập cao, ai dè không bán được, phải làm thức ăn chăn nuôi vì xung quanh người dân thấy HTX trồng bí năng suất nên đua nhau trồng, dẫn tới “được mùa mất giá”. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi không trồng nhiều, chờ xem tình hình thị trường.

 

Tương tự, HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thượng Nung (xóm An Thành, xã Thượng Nung) với 20 thành viên, dù được đánh giá là đã tiệm cận được với quy trình sản xuất rau hữu cơ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, song nhiều người dân vẫn chưa biết đến sản phẩm rau của HTX. Không có đầu ra ổn định, HTX không dám tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất mà chỉ duy trì khoảng 3ha rau an toàn (kế hoạch ban đầu là 5ha). Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Quý, Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thượng Nung cho biết: HTX hiện rất vất vả để tìm đầu ra cho sản phẩm, rau sản xuất ra chủ yếu phụ thuộc vào thương lái đến thu mua hoặc bán cho các chợ đầu mối với giá tương đương các loại rau khác, chưa tương xứng với công sức xã viên bỏ ra và chất lượng của nông sản. Đơn cử như vụ rau đầu năm vừa rồi, HTX thu mua rau của bà con với giá 7 nghìn đồng/kg, nhưng khi bán ra chỉ được 5 nghìn đồng/kg với lý do không có thương hiệu, không thể chứng minh chất lượng của sản phẩm.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 40% HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện thì mới có 4 HTX tìm được đầu ra ổn định, còn về cơ bản, các HTX vẫn đang loay hoay tìm đầu ra, các thành viên HTX tự lo từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Có nhiều nguyên nhân khiến các HTX khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, nhưng chủ yếu vẫn là do quy mô hoạt động của phần lớn các HTX trên địa bàn huyện nhỏ, số lượng thành viên chưa nhiều, vốn góp còn thấp dẫn đến khó khăn trong đầu tư vào sản xuất kinh doanh, sản lượng nông sản chưa đủ để cung ứng cho các đơn vị lớn, yêu cầu quy trình sản xuất bài bản. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm của HTX dù được đánh giá cao về chất lượng song lại chưa có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể nên dễ bị trà trộn với các sản phẩm khác, khả năng cạnh tranh thấp. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý HTX chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, hầu hết chưa được qua các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý hoặc kỹ thuật. Với đặc thù là một huyện vùng cao, nên phần lớn các HTX còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đường sá đi lại khó khăn, gây cản trở không nhỏ đến việc sản xuất cũng như thu mua nông sản, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số cho nên kỹ thuật canh tác còn lạc hậu… Từ đó, HTX kiểu mới nhưng hầu hết chỉ đáp ứng được khâu sản xuất chứ chưa thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.

 

Trước thực tế đó, Đảng ủy và chính quyền huyện Võ Nhai đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về HTX, tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX của Nhà nước. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX; hướng dẫn các HTX mở thêm ngành nghề kinh doanh dịch vụ, đồng thời, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đây được coi là hướng đi bền vững cho việc tiêu thụ nông sản, qua đó, từng bước củng cố hoạt động của các HTX trên địa bàn.

 

Theo ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, để tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản các HTX phải có được sự thống nhất, liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, các tổ sản xuất với HTX và giữa các HTX với doanh nghiệp. Khi có được một hệ thống sản xuất và tiêu thụ khép kín, nông sản làm ra sẽ đến với người tiêu dùng dễ dàng hơn, giảm bớt khó khăn cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm và hạn chế tình trạng "được mùa rớt giá" hay bị tư thương ép giá như hiện nay. Song song với đó là phải có sự liên hệ với các đơn vị tiêu thụ trước khi có kế hoạch gieo trồng, tránh việc sản xuất tự phát.