Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp

16:49, 29/11/2016

Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng liều lượng, quy trình đã gây ra những hậu quả cho chính người sản xuất và cả người tiêu dùng. Vì vậy, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong sản xuất an toàn đang là vấn đề cần được quan tâm.

Có thể thấy, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường cộng với vấn đề thâm canh, tăng vụ đã khiến cho tình hình dịch bệnh gây hại trên cây trồng diễn ra khá phức tạp, kéo theo số lượng và chủng loại thuốc BVTV cũng tăng lên. Mặt khác, một số loại thuốc BVTV kém chất lượng, khi phun không mang lại hiệu quả như mong muốn nên người nông dân phải phun đi, phun lại nhiều lần, dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Từ đó, dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc BVTV tùy tiện, không đúng loại thuốc, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và không áp dụng kỹ thuật theo phương pháp “4 đúng”. Cộng với tâm lý muốn phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, nên nông dân tăng liều lượng, sử dụng thuốc cực độc để bảo vệ cây trồng, tăng năng suất và tiết kiệm nhân công cho việc phun thuốc. Điều đáng nói là lượng thuốc BVTV được sử dụng gấp 2- 3 lần so với bình thường, với liều lượng cao, độc tính cao sẽ làm giảm hiệu lực trừ dịch hại, hoặc có tác động xấu đến sức khỏe người nông dân.

 

Hầu hết các loại thuốc BVTV đều có tính độc cao và trong quá trình dùng, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt. Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng hóa học ổn định, khó phân hủy, nên sẽ tích luỹ trong môi trường. Sau nhiều lần sử dụng, lượng tích lũy này có thể cao đến mức gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và con người.

 

Để ngặn chặn, kiểm soát tình trạng vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp sạch, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về buôn bán và sử dụng thuốc BVTV đối với 215 cơ sở kinh doanh. Kết quả, có 9 cơ sở vi phạm với các lỗi: bán thuốc BVTV không có cửa hàng và kho chứa thuốc; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV; không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán thuốc; không đúng địa điểm đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Tổng số tiền xử phạt 12 triệu đồng. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra 320 trường hợp sử dụng thuốc BVTV. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 104 trường hợp vi phạm; trong đó chủ yếu là các lỗi như sử dụng không đúng thuốc, không đúng nồng độ liều lượng, không đúng cách và không đúng lúc. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và không phải người dân nào cũng biết cách sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng. Do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên lực lượng chức năng không thể kiểm tra, kiểm soát hết được. Thêm vào đó, chế tài xử phạt nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. Để nâng cao nhận thức cho người dân, trong năm 2016, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cũng phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật cho trên 600 người.

 

Không thể phủ nhận, việc sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Tuy nhiên, nó cũng gây không ít tác hại như diệt các loại côn trùng có lợi cho cây trồng, gây thoái hóa tài nguyên đất, ảnh hưởng xấu sức khỏe con người. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn những hệ lụy trong việc lạm dụng thuốc để người nông dân nâng cao nhận thức của bản thân, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh.