Những năm gần đây, một số mặt hàng nông sản an toàn, chất lượng cao của huyện Võ Nhai (như bưởi Dễn, cam Vinh, gà chăn thả tự nhiên…) đã trở thành “đặc sản” được người tiêu dùng trong và ngoài huyện tìm mua, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, từ giữa tháng 11 dương lịch, nhiều hộ trồng bưởi diễn và chăn nuôi gà trên địa bàn huyện đã tích cực chuẩn bị để cung cấp sản phẩm ra thị trường trong thời gian áp Tết.
Cách đây hơn chục năm, một số hộ dân ở xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã đưa giống bưởi diễn về trồng thử nghiệm với mục đích chính là phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Thế nhưng đến nay, quả bưởi diễn đã trở thành sản phẩm hàng hóa phổ biến và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong xã. Ông Lê Xuân Điệp, ở xóm Là Lu, xã Tràng Xá, cho biết: Gia đình tôi quê gốc ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), năm 1978 lên đây phát triển kinh tế. Thời gian đầu, nhà tôi trồng ngô và một số loại cây ăn quả nhưng không đem lại giá trị kinh tế cao. Sau đó, tôi về quê Khoái Châu mua vài gốc bưởi diễn lên trồng thử nghiệm, với mục đích phục vụ gia đình. Đến khoảng năm 2000 mới có người vào hỏi mua bưởi diễn nhưng trả giá rẻ nên gia đình không bán. Dần dà, thương lái vào mua nhiều, hỏi ra mới biết là họ mua về bán trong dịp Tết. Quả bưởi Diễn để được lâu, có hương thơm dịu nên được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Hiện nay, vườn bưởi nhà tôi đã được thương lái đặt mua trước, đến đầu tháng 12 Âm lịch họ sẽ vào thu hoạch mang đi tiêu thụ. Cây bưởi Diễn đem lại thu nhập khá nên gia đình tôi mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình tôi có hơn 400 cây bưởi diễn, dự kiến trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 6.000 quả. Với giá bán từ 20 đến 25 nghìn đồng/quả, năm nay gia đình thu về được gần 150 triệu đồng…
Được biết trong khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng bưởi diễn ở xã Tràng Xá đã tăng lên khoảng 80ha, trong đó có gần 40ha cho thu hoạch. Hiện nay, loại cây này phát triển mạnh ở các xóm Mỏ Đinh, Là Lu, Lò Gạch và tiếp tục có xu hướng phát triển ra các xóm khác.
Cùng với cây bưởi Diễn thì gà được các hộ dân ở nhiều xã trong huyện đầu tư phát triển chăn nuôi, với chất lượng thịt thơm ngon. Thời điểm này, chúng tôi đến xóm Bình An, xã Bình Long - vùng chăn nuôi gà có tiếng của huyện - đã thấy nhiều hộ chuẩn bị lứa gà phục vụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Mỗi năm, các hộ trong xóm nuôi hàng trăm nghìn con gà thịt, trong đó có hơn 40% phục vụ thị trường dịp Tết. Để bảo đảm nguồn sản phẩm cung cấp ra thị trường, ngay từ thời điểm đầu mùa thu năm nay, các hộ chăn nuôi gà ở đây đã tích cực lựa chọn con giống và tận dụng những cánh đồng ngô đã đến kỳ gần thu hoạch để chăn thả. Chị Nguyễn Thị Nga - một hộ chăn nuôi khá lớn ở xóm Bình An - cho biết: Năm nay, nhà tôi nuôi trên 10 nghìn con gà, mỗi lứa nuôi khoảng 2 nghìn con. Riêng gà để bán Tết thì nuôi với thời gian từ 3 đến 4 tháng, được chăn ngô ở bãi thả rộng chứ không chăn cám công nghiệp, vì vậy, chất lượng thịt rất tốt. Thường thì từ đầu tháng 12 Âm lịch, thương lái đã bắt đầu lên xem chất lượng sản phẩm để đặt trước. Riêng ở trong xóm đã có khoảng trên 20 hộ chăn nuôi gà để bán Tết…
Ông Đàm Quang Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Long cho biết: Hiện nay, hầu hết người dân xóm Bình An chăn nuôi gà theo mô hình gia trại, quy mô chăn nuôi từ 2.000 đến 5.000 con/lứa. Tuy nhiên, thời gian vừa qua giá gà thịt trên thị trường giảm nên người dân tập trung nuôi để cung cấp cho thị trường Tết. Những hộ dân ở đây thường quây lưới ở bãi ngô, vườn đồi rộng để thả, vừa tận dụng được diện tích vừa tạo được nguồn phân bón cho vụ trồng ngô năm tới… Việc chăn nuôi đã giúp người dân trong xóm có thu nhập ổn định và là hướng chính để phát triển kinh tế, vì vậy, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các phòng chức năng của huyện tiến hành tập huấn kỹ thuật chăm sóc để phòng bệnh cho đàn gà.
Một số vùng khác của huyện Võ Nhai cũng đã chăn nhiều loại vật nuôi được thị trường ưa chuộng như: lợn “cắp nách”, gà thiến, cá… người tiêu dùng lựa chọn những vật nuôi này để phục vụ các cuộc liên hoan dịp cuối năm, làm quà biếu hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều gia đình trong những ngày Tết. Chưa có số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn về sản lượng, doanh thu nhưng những loại “đặc sản” này ở Võ Nhai đã và đang có thị trường tiêu thụ rộng lớn, sản phẩm bán được giá nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện rất hào hứng nhân rộng.
Trong những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đã khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển cây ăn quả và chăn nuôi, nhất là đối với các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết. Điều này đã đem lại hiệu quả kinh tế, hướng phát triển cho người dân. Tuy nhiên, để những sản phẩm này thực sự là thế mạnh, chính quyền địa phương nên hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân đăng ky, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiêu thụ quanh năm (bếp ăn ở các khu công nghiệp, siêu thị…) chứ không chỉ tập trung phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán như hiện nay.