Phát triển nhiệt điện - đảm bảo an ninh năng lượng

10:43, 18/11/2016

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất thiết kế trên 200MW, tương đương với khoảng 1.500 triệu KWh/năm. Theo các chuyên gia năng lượng thì việc phát triển nhiệt điện than đang là bước đi không thể thiếu dù chúng ta không khuyến khích. Và thực tế, các nhà máy nhiệt điện đang đóng góp điện năng đáng kể cho cả nước.

Trong cơ cấu nguồn điện của nước ta hiện nay, nhiệt điện than chỉ đứng sau thủy điện. Thực tế thì nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, chỉ còn một số dự án mở rộng và các công trình thủy điện nhỏ. Hiệp hội năng lượng Việt Nam đánh giá, dù có phát triển điện gió, điện mặt trời hay điện sinh khối thì cũng không thể cáng đáng được vai trò chủ lực trong hệ thống điện mà chủ yếu phải dựa vào thủy điện và nhiệt điện. Theo quy hoạch của Chính phủ, những năm tới nguồn điện vẫn phải đạt mức tăng trưởng 10%/năm. Do đó, nhiệt điện vẫn được xem là quan trọng để thực hiện mục tiêu này.  

 

Hai nhà máy nhiệt điện nằm trên địa bàn tỉnh đang phát huy khả năng đóng góp sản lượng điện ổn định vào điện lưới quốc gia là Nhiệt điện An Khánh và Nhiệt điện Cao Ngạn. Từ tháng 4-2015, Nhà máy nhiệt điện An Khánh, tại Cụm công nghiệp An Khánh (Đại Từ) chính thức hòa lưới điện quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nhiệt điện An Khánh thì hiện mỗi năm Nhà máy sản xuất và cung cấp trên 800 triệu KWh điện. Được biết nhà máy có tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng, là dự án nhiệt điện có công suất lớn duy nhất của Việt Nam do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư. Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn được xây dựng từ khá lâu nhưng chính thức xây dựng lại và vận hành trên dây chuyền, công nghệ hiện đại cách nay khoảng 10 năm. Đơn vị này cũng sản xuất và cung cấp gần 800 triệu KWh điện mỗi năm.

 

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo hai đơn vị nhiệt điện đều cho rằng, dù có nhiều lo ngại về tác động của loại hình sản xuất này đến môi trường tự nhiên, nhưng vai trò của nó đối với an ninh năng lượng đất nước là rất lớn. Ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc một doanh nghiệp tư nhân quyết định xây dựng nhiệt điện là phải tính toán rất kỹ lưỡng vì nguồn vốn đầu tư lớn. Qua phân tích tình hình phát triển nhiệt điện trong nước, quốc tế, qua những nhận định chắc chắn của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp mới dám quyết định đầu tư Nhà máy nhiệt điện. Với Thái Nguyên rất thuận lợi phát triển nhiệt điện vì có nhiều mỏ than trên địa bàn. Hơn nữa, nhiệt điện hoạt động rất ổn định 24/24, không giống điện gió, điện năng lượng. Quan trọng, khi phát triển nhiệt điện phải xử lý tốt môi trường, khí bụi. Nếu giải quyết được điều đó thì nhiệt điện chính là phương án lựa chọn tối ưu.

 

Còn ông Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV thông tin, cũng như một số năm trước, năm nay nhiệt điện đang có nhiều thuận lợi bởi lượng nước trong các hồ thủy điện không ổn định. Do đó, thủy điện không phát theo công suất như dự kiến nên EVN điều tiết, yêu cầu nhiệt điện tăng công suất. Mọi năm, Nhà máy chỉ chạy khoảng 6.000 giờ, tương đương với 600 triệu KWh, nhưng năm nay đơn vị phải đẩy công suất lên 7.500 giờ, tương đương khoảng 750 triệu KWh. Dự kiến, năm nay Công ty sẽ về trước kế hoạch khoảng 20 ngày. Cũng theo ông Nguyễn Trung Thực, hoạt động nhiệt điện hiệu quả hơn một số loại hình sản xuất điện khác nếu đã trả hết vốn vay. Đến nay, Công ty đã trả xong lượng vốn vay đầu tư ban đầu và đạt doanh thu trung bình 1.000 tỷ đồng/năm. Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn đã ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu với Mỏ than Núi Hồng và Mỏ than Khánh Hòa nên cả đời dự án (50 năm) không phải lo nhiên liệu đầu vào.

 

Trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hàng năm, nhiệt điện luôn đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa. Năm nay cũng vậy, hai nhà máy nhiệt điện đã góp phần giúp khu vực sản xuất và phân phối điện, chất đốt của tỉnh tăng trên 67% so với cùng kỳ năm trước.

 

Được biết, nhiều quốc gia trên thế giới khi chưa có điện hạt nhân thì vẫn phải phát triển mạnh nguồn nhiệt điện than để đảm bảo cung cấp nguồn điện cho xã hội. Bởi vậy, khi chúng ta chưa thể có điện hạt nhân thì từ nay đến năm 2030 gần như nhiệt điện được ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, theo thống kê thì tỷ trọng nhiệt điện than trên thế giới hiện vẫn đang rất cao, chiếm gần 50%. Điều quan trọng là các nhà máy nhiệt điện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm.