Sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường: Bài học đắt giá (Kỳ II)

11:03, 11/11/2016

Doanh nghiệp trốn hoặc ăn bớt kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nguồn thải trong dây chuyền sản xuất công nghiệp để dư ra một khoản lợi là thực trạng khá phổ biến hiện nay. Đây là điều đáng buồn bởi nếu mang lên cân đong, lợi ích của DN chỉ được một còn thiệt hại mà xã hội (trong đó có chính bản thân DN) hứng chịu cả trăm và còn nhiều hơn thế. Không phải các DN không biết điều này, nhưng vì cái lợi trước mắt mà làm ngơ quy định và phớt lờ dư luận.

Doanh nghiệp lợi ít - xã hội thiệt nhiều

 

Người dân kêu khổ

 

Một thực tế hiện nay là, những tưởng sống gần các các nhà máy, xí nghiệp, các KCN, CCN, người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích, song không ít trường hợp phải ngày ngày hứng chịu tiếng ồn, khói bụi, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm do chính các đơn vị sản xuất công nghiệp gây ra.

 

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng xóm Phú Thịnh, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) liên tục than thở: Từ khi Công ty Anco Thái Nguyên về xây dựng nhà máy tại đây, dân chúng tôi chẳng được lợi ích gì mà chỉ thấy khổ. Cả ngày lẫn đêm, từ làm việc đến đi ngủ, mọi sinh hoạt của người dân đều bị mùi xú uế của nhà máy bủa vây. Cùng chung ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Lâm, Bí thư Chi bộ xóm Cường Thịnh, xã Trung Thành chia sẻ: Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị nhà máy nâng cao ống khói thải nhưng họ không thực hiện. Người dân chúng tôi chỉ còn biết trông chờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

 

Còn tại T.P Sông Công, ông Phạm Tiến Hựu, Tổ trưởng tổ dân phố Cầu Sắt, phường Bách Quang bức xúc: Tổ dân phố có 114 hộ gia đình, trong đó 15 hộ gia đình nằm gần khu vực sản xuất của Công ty CP Thép Toàn Thắng thường xuyên phải sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi từ hoạt động xả thải của Công ty. Hằng ngày, các hộ dân đều phải đóng kín cửa và bịt khẩu trang vì không chịu nổi mùi khét và khói bụi.

 

Ở xóm Đồng Cà, xã Khôi Kỳ (Đại Từ), gần một năm nay khoảng 30 hộ dân xung quanh mỏ khai thác chì, kẽm Côi Kỳ vẫn chờ lời hứa của Công ty TNHH Doanh Trí về việc đền bù thiệt hại sản xuất. Cụ thể là thời điểm cuối năm 2015, DN này đã thực hiện nghiền quặng chì, kẽm khiến khói bụi ảnh đến nhiều hộ dân xung quanh. Chị Hoàng Thị Hoa, ở xóm Đồng Cà nói: Bụi quặng phủ trắng cây cối và nhà dân xung quanh. Nhất là chè đang vào vụ thu hoạch, chúng tôi hái về phải mất rất nhiều thời gian rửa và hong khô trước khi mang đi sao, sấy. Ngay sau đó, Công ty đã dừng hoạt động nghiền quặng và họp dân thống kê diện tích bị ảnh hưởng để đền bù thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện.

 

Doanh nghiệp phớt lờ trách nhiệm

 

Gần như các chủ nguồn thải gây ô nhiễm đều lấy lý do để lấp liếm cho việc làm của đơn vị mình, nhiều trường hợp còn làm ngơ trước những phản ánh của dư luận, không chấp hành các yêu cầu khắc phục môi trường của chính quyền và cơ quan chuyên môn. Điều này khiến chúng ta nhớ tới vụ việc của Công ty CP Sơn Lâm - đơn vị chuyên sản xuất tinh bột sắn tại xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cách nay gần 2 năm. Việc xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty này kéo dài hàng năm mới bị ngành TN-MT xử phạt. Sau đó, Công ty tiếp tục hoạt động, rồi lại liên tiếp tái phạm và bị xử lý thêm nhiều lần nữa. Khi dư luận quá bức xúc, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, đồng thời ra quyết địnhđóng cửa nhà máy thì vấn đề ONMT ở đây mới được giải quyết.

 

Một trường hợp khác, dù người dân địa phương bức xúc, báo chí phản ánh khá nhiều về sự việc chôn lấp chất thải công nghiệp gây ô nhiễm của Công ty CP Nam Việt tại huyện Định Hóa, song đại diện Công ty này vẫn luôn phủ nhận và cho rằng doanh nghiệp không vi phạm. Ngay cả khi cơ quan chuyên môn về môi trường khẳng định có nhiều chỉ số vượt cả trăm lần so với chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, DN này vẫn khăng khăng không thừa nhận. Tương tự, Công ty CP Phát triển hạ tầng KCN, khi người dân và Ban Quản lý các KCN tỉnh nhiều lần ý kiến, nhắc nhở về việc chôn giấu bùn thải trái phép nhưng đơn vị này vẫn không tiếp thu và cho rằng mình không vi phạm. Phải mãi tới khi đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra đột xuất phát hiện hành vi vi phạm thì Công ty mới thừa nhận.

 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện các phòng TN-MT cấp huyện đều chung quan điểm cho rằng, mặc dù các cơ sở, DN đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường song còn nhiều đơn vị chưa đáp đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, việc vận hành hệ thống xử lý chất thải ở các cơ sở, DN còn tùy thuộc vào ý thức của chủ cơ sở, DN đó. Trong khi đó, kinh phí để xử lý ô nhiễm môi trường khá cao nên nhiều đơn vị thực hiện công tác bảo vệ môi trường còn mang tính đối phó, lách luật. Còn tới 70% đến 80% số trường hợp vi phạm, sau khi bị xử lý vẫn cố tình tái phạm.

 

Hệ lụy nhãn tiền

 

Dòng suối Cốc nằm trên địa bàn phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) hàng chục năm nay phải oằn mình hứng chịu những tác động xấu từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Tại đây hầu hết các loài thuỷ sinh không còn khả năng sinh trưởng, phát triển. Khi mưa to, nước ở suối Cốc dâng lên tràn vào đồng ruộng 2 bên bờ của người dân địa phương làm chết và giảm năng suất cây trồng. Nước từ dòng suối Cốc ô nhiễm đã ngấm vào nguồn nước giếng của người dân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ bà con. Một gia đình sống cạnh bờ suối Cốc đã có tới 4 người bị mù vì sử dụng nước ô nhiễm nhiều năm và phải chuyển đi nơi khác. Tại đây, tình trạng người dân bị các bệnh ngoài da, viêm đường hô hấp khá phổ biến. Mặc dù chất thải của Nhà máy Cốc hóa (cơ sở trực tiếp có nguồn nước thải ra suối Cốc) hiện đã được xử lý tương đối nhưng lượng chất thải hơn 40 nghìn mét khối có lẫn hoá chất (dầu mỡ, amoni, xyanua…) tích tụ nhiều năm nay vẫn đang từng ngày ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

 

Hẳn chúng ta còn nhớ trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Nhà máy kẽm điện phân thuộc Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico tại KCN Sông Công I mấy năm trước đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân sinh sống xung quanh. Ông Cao Văn Minh ở tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang (T.P Sông Công) nhớ lại: Thời điểm năm 2013 cánh đồng Tràng Ba, cánh đồng Kè, tổ dân phố Chương Lương, làng Mới thuộc phường Bách Quang, lúa bị cháy hết do khí thải a xít của nhà máy kẽm điện phân. Hằng ngày, nhất là những ngày mưa, người dân sinh sống tại đây đều thấy cay mắt, cay mũi, khó thở... Bà Nguyễn Thị Ngọc, sống cách nhà máy gần 1km cho biết: Toàn bộ cây ăn quả, cây công nghiệp trong vườn của gia đình đều bị cháy sém, chết khô, cây nào còn sống thì không đậu quả, mùa màng thất bát liên miên. Ở đây nhà ai cũng có người bệnh. Mặc dù hiện nay Nhà máy kẽm điện phân đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải đảm bảo hơn, song hậu quả mà đơn vị này để lại cho người dân địa phương vẫn khá nặng nề. Nguy cơ tái diễn tình trạng ô nhiễm vẫn rất cao do còn những sự cố trong vận hành dây chuyền xử lý môi trường của Nhà máy.

 

Hai trường hợp cụ thể trên cũng đủ khiến chúng ta nhận ra hậu quả mà ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội lớn thế nào? Đã có lãnh đạo cấp xã nơi có cơ sở sản xuất công nghiệp đóng chân gây ô nhiễm phải thốt lên rằng: Có cơ sở công nghiệp vất vả chứ chẳng sung sướng gì. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng (Đại Từ) tâm sự, vấn đề môi trường ở Núi Pháo đang khiến chính quyền địa phương mất ăn, mất ngủ, lo giải quyết những kiến nghị của người dân mãi không xong.

 

(Còn nữa)