Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

14:55, 23/11/2016

Những năm gần đây, Bản Ngoại được biết đến là vùng trồng cây màu có tiếng của huyện Đại Từ. Tận dụng tối đa thế mạnh về đất đai, khí hậu, thủy lợi, bà con ở đây đã biết đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: dưa hấu, củ đậu, dưa chuột, dưa bở, rau... Nhờ đó, giá trị kinh tế mỗi ha đất ở đây có thể đạt 270 triệu đồng.

Xã Bản Ngoại có 19 xóm, trên 2.000 hộ dân. Đa số người dân Bản Ngoại đều làm nông nghiệp với tổng diện tích trên 1.200ha đất, bao quanh là đồi thấp, ở giữa là cánh đồng rộng, tương đối bằng phẳng, thêm vào đó, xã có dòng sông Công và suối La Bằng chảy qua nên nguồn nước tưới rất dồi dào. Tận dụng thế mạnh này, bà con đã biết đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mấy năm gần đây, người dân Bản Ngoại luôn tích cực đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thâm canh, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa. Một trong những cây trồng mang tính giảm nghèo của xã phải kể đến cây củ đậu. Toàn xã hiện có khoảng 20ha đất trồng củ đậu, đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, đầu tư thấp, không phải chăm sóc nhiều, nên được nhiều hộ trồng. Cây củ đậu có mặt trên đồng đất Bản Ngoại từ khoảng năm 2008 đến nay đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác ở địa phương. Người dân Bản Ngoại thường trồng 2 vụ củ đậu và cấy xen 1 vụ lúa trong năm.

 

Thông thường, người dân sau khi thu hoạch vụ lúa xuân là bắt đầu gieo hạt củ đậu, đến tháng 10 sau khi thu hoạch đến đâu, người dân lại tiến hành trồng tiếp vụ củ đậu nữa để đến tháng 2 năm sau thu hoạch. Thời điểm này về Bản Ngoại, bà con vẫn đang tiếp tục thu hoạch củ đậu, trên dọc đường Quốc lộ 37, đoạn đi qua địa phận xã, người dân bày bán dọc 2 bên đường những xe củ đậu trắng nõn, tươi rói mới dỡ. Trên cánh đồng, người dân đang thu dỡ củ đậu, một số thửa, bà con đã thu hoạch xong và xuống giống trồng vụ mới. Chị Phạm Thị Thu, ở khu 2 cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi, củ đậu được mùa lắm. Thông thường, một sào củ đậu chi phí mất khoảng 800.000 đồng, nếu chăm bón tốt, mỗi sào cho từ 2,5-3 tấn củ, thu khoảng 10 triệu đồng.

 

Cùng với cây củ đậu, dưa hấu cũng được bà con đưa vào trồng cùng thời điểm. Ban đầu, chỉ là một số hộ tận dụng những chân ruộng cạn, khó cấy lúa để trồng dưa, nhưng sau vài vụ, thấy trồng dưa hiệu quả gấp nhiều lần cấy lúa nên người dân đã chuyển đổi trên diện rộng với 2 vụ dưa, 1 vụ lúa/năm. Ông Nguyễn Văn Di, xóm Quang Trung cho biết: Gia đình có 6 sào ruộng, trước đây, tôi chỉ cấy 2 vụ lúa, thu nhập không được bao nhiêu. Nhưng từ năm 2008, tôi đã chuyển đổi sang trồng 2 vụ dưa và cấy xen 1 vụ lúa, nhờ đó mà cuộc sống gia đình khấm khá hẳn lên. Sở dĩ phải cấy xen 1 vụ lúa là để hạn chế các loại nấm bệnh hại dưa. Dưa hấu trồng ở đất này hợp lắm, loại dưa cho năng suất cao và chất lượng ngon mà người dân ở đây thường trồng là giống dưa Phù Đổng. Trung bình mỗi sào dưa đạt năng suất khoảng 1 tấn. Nhà nào chăm sóc tốt thì đạt 1,2 tấn/sào. Cá biệt có diện tích đạt 1,5 tấn/sào, trừ chi phí, mỗi sào dưa thu được cả chục triệu đồng, cao gấp 8 lần so với cấy lúa.

 

Không những dưa hấu, củ đậu, mà Bản Ngoại còn đưa nhiều loại cây màu khác như: dưa chuột bao tử, dưa lê siêu ngọt, dưa bở, cà chua… với tổng diện tích cây màu lên đến 325ha. Người dân Bản Ngoại từ lâu đã có tiếng là cần cù, nhạy bén trong phát triển kinh tế, ngoài việc đưa các loại cây trồng mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ra thì bài toán trồng cây gì, trồng vào thời điểm nào đều được người dân tính toán kỹ, vì thế mà sản phẩm sản xuất ra luôn có thị trường ổn định với giá bán khá cao. Đơn cử ngay việc tính toán thời gian xuống giống trồng dưa hấu vụ Xuân, căn cứ vào quy luật sinh trưởng phát triển của cây, thường thì bà con bắt đầu trồng vào trung tuần tháng 2 Âm lịch để được thu hoạch trước Tết Đoan Ngọ, thời điểm này thị trường tiêu thụ lớn nên rất dễ bán, giá cũng cao hơn ngày thường.

 

Cũng chính bởi sự nhạy bén trong tư duy sản xuất, nên người dân Bản Ngoại luôn mạnh dạn đi đầu trong việc đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất. Năm 2016, xã cũng thực hiện trồng thử nghiệm giống dưa vàng vân lưới với diện tích khoảng 1 sào. Mặc dù đây là giống dưa được bà con tự đưa vào trồng thử, nhưng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Sau khi theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, ông Nguyễn Văn Di – người thực hiện trồng thử nghiệm giống dưa vàng vân lưới khẳng định: Cây phát triển tốt trên đồng đất Bản Ngoại, chất lượng quả ngọt, vỏ mỏng. Tuy rằng, vụ đầu tiên tôi chưa nắm được quy luật sinh trưởng, phát triển của cây, nên chăm sóc chưa tốt, vì vậy năng suất chưa đạt như mong muốn, nhưng với giá bán 42.000 đồng/kg thì thu nhập cũng cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Sau vụ này, tôi đã có thêm kiến thức, kinh nghiệm với giống dưa mới này, hy vọng vụ tới sẽ đạt được kết quả tốt. Hiện, tôi đã trồng tiếp 1 sào dưa vàng vân lưới để thử nghiệm, nếu vụ này cho năng suất tốt, tôi sẽ nhân ra diện rộng.

 

Nhờ biết tận dụng những thế mạnh của địa phương, cộng với tư duy dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đã giúp bà con Bản Ngoại từng bước nâng cao đời sống. Bình quân thu nhập mỗi ha đất ở đây đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, nhiều diện tích đạt đến 270 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với bình quân chung của huyện. Cách làm của người dân Bản Ngoại khẳng định rằng, nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp bằng tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa.