Gần đây, dư luận tại xã Vũ Chấn (Võ Nhai) xôn xao vì một cây gỗ cổ thụ trong rừng phòng hộ tại xóm Khe Rịa bị khai thác trộm. Xung quanh vụ việc này có nhiều chi tiết cần được xác minh, từ trách nhiệm của chủ rừng đến quy trình tịch thu, thanh lý gỗ của Hạt Kiểm lâm huyện.
Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Sau khi nhận được báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai về vụ việc, Chi cục đã có văn bản chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Trong trường hợp này, việc thanh lý lô gỗ sấu không qua đấu giá là sai quy định, Hôi đồng định giá không có thẩm quyền cho Hạt Kiểm lâm huyện bán gỗ theo giá cơ sở đã xác định. Chi cục Kiểm lâm sẽ làm việc với UBND huyện Võ Nhai để thống nhất giải quyết vụ việc. |
Từ trung tâm xã Vũ Chấn, chúng tôi mất khoảng 30 phút đi xe máy theo con đường đất gồ ghề ngược vào đầu nguồn khu rừng phòng hộ thuộc xóm Khe Rịa, nơi một cây sấu rừng cổ thụ đã bị khai thác trộm từ nhiều tháng trước. Hiện trường tại chân đồi là điểm tập kết gỗ có khối lượng khá lớn. Phần lớn nhất của thân cây đã bị lâm tặc xẻ thành các tấm gỗ có chiều dài khoảng 3 mét, dầy gần 30cm và rộng hơn 2m. Gốc cây bị chặt cách đó khoảng 100m trên lưng chừng núi. Dọc đường lên, chúng tôi thấy còn khá nhiều đoạn thân, cành cây lớn nằm rải rác.
Theo nhiều người dân sống trong vùng, cây sấu rừng này có hàng trăm năm tuổi, đường kính chỗ lớn nhất lên tới hơn 2m. Anh Phan Đức Cường, Trưởng xóm Khe Rịa nói: Đây là cây cổ thụ lớn nhất xã, trước khi bị chặt hạ, cây vẫn luôn xanh tốt và ra quả đều đặn. Vì vậy, việc cây bị chặt trộm khiến nhiều người cảm thấy xót xa, tiếc nuối.
Cây sấu này nằm trong diện tích hơn 11ha rừng phòng hộ do gia đình ông Đặng Hữu Thuận (sinh năm 1981), xóm Khe Rịa, quản lý, bảo vệ. Theo hồ sơ của Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, ngày 8-8-2016, sau khi phát hiện cây sấu bị chặt trộm, ông Thuận đã làm đơn trình báo Cơ quan Kiểm lâm. Tổng khối lượng cây gỗ theo số liệu đo đạc của cán bộ kiểm lâm là 13,436m3.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hữu Thuận khẳng định gia đình không biết kẻ gian đã chặt trộm cây từ bao giờ, ngay khi biết đã làm đơn trình báo gửi Hạt Kiểm lâm. Chính đơn trình báo mất gỗ của ông Thuận là do 1 trong 2 người mua gỗ viết hộ để ông ký vào. Ông Đặng Hữu Thuận còn cho biết, bản thân chỉ học hết lớp 1 và gần như đã quên mặt chữ nên không thể viết và đọc được nội dung đơn. Nhưng sau đó ông Thuận lại thừa nhận đã bán cây gỗ này với giá 15 triệu đồng cho 2 người cùng xã.
Căn cứ vào hiện trạng gỗ, cán bộ của Hạt Kiểm lâm Võ Nhai ước tính cây sấu rừng này đã bị khai thác trộm từ khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm nay. Theo ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng hạt Kiêm lâm Võ Nhai, tháng 8-2016, sau khi nhận được đơn trình báo của chủ rừng là ông Đặng Hữu Thuận, Hạt Kiểm lâm huyện đã cử cán bộ phối hợp với xã Vũ Chấn tiến hành xác minh, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số gỗ. Tiếp đó, ngày 21-9, Hạt Kiểm lâm đã gửi công văn báo cáo và đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho ý kiến chỉ đạo về phương án xử lý số gỗ này. Căn cứ vào đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai thiết lập hồ sơ vụ việc để xử lý theo thẩm quyền; thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị gỗ, tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Thực hiện quy trình, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã ra quyết định tịch thu gỗ, thành lập tổ công tác và xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sơ chế, vận chuyển, nghiệm thu đóng dấu búa để bán gỗ sung công quỹ. Ngày 25-10, Hội đồng định giá tài sản huyện Võ Nhai tại Hạt Kiểm lâm huyện do ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện làm Chủ tịch đã định giá số gỗ cây sấu là 8.791.794 đồng. Trong kết luận của Hội đồng có ghi rõ: “Hội đồng thống nhất cho Hạt Kiểm lâm bán số gỗ trên tại rừng thuộc khu vực xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai nộp ngân sách Nhà nước số tiền là 8.791.794 đồng”. Đến ngày 7-11, số gỗ đã được hoàn tất thủ tục bán cho ông Phan Văn Khánh (trú tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), tiền đã sung công quỹ Nhà nước.
Toàn bộ quá trình này, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai không báo cáo UBND huyện, UBND xã Vũ Chấn cũng không báo cáo huyện. Ngày 12-11, khi nắm được thông tin, lãnh đạo huyện Võ Nhai đã cử đoàn công tác đến hiện trường xác minh, lập biên bản, chỉ đạo xã Vũ Chấn giữ nguyên hiện trạng; yêu cầu Hạt Kiểm lâm báo cáo Huyện ủy, UBND huyện. Đến ngày 14-11, Hạt Kiểm lâm mới có văn bản báo cáo về vụ việc gửi tới UBND huyện. Giải thích về điều này, ông Vũ Thế Cường thừa nhận sai sót và cho rằng đã “sơ suất vì nghĩ đây là vụ việc đơn giản, chỉ báo cáo ngành dọc là đủ”.
Ngoài ra, nội dung của biên bản họp Hội đồng định giá tài sản cây gỗ sấu này có điểm đáng ngờ và những dấu hiệu sai phạm. Cụ thể, biên bản ghi đoạn thân cây gỗ dài 10m bị rỗng giữa, khối lượng gỗ thực tế chỉ còn 50%. Điều này không phản ánh chính xác thực trạng số gỗ tại hiện trường. Việc bán lô gỗ với số tiền trên 8,7 triệu đồng cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi, vì theo nhiều người am hiểu thị trường lâm sản, riêng một mét khối gỗ sấu rừng lớn đã xẻ như vậy có giá gấp nhiều lần. Mặt khác, theo quy định thì việc thanh lý số tài sản này phải qua đấu giá, mức giá mà Hội đồng định giá đưa ra chỉ là cơ sở chứ chưa được coi là giá bán. Hội đồng cũng không có thẩm quyền “cho Hạt Kiểm lâm bán số gỗ trên” theo như biên bản đã ghi.
Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Võ Nhai, Phó Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản tại Hạt Kiểm lâm huyện, cũng nhận trách nhiệm vì đã “không đọc kỹ trước khi ký vào biên bản họp Hội đồng định giá lô gỗ”.
Có thể nói, vụ việc này cho thấy những dấu hiệu sai phạm cần phải xác minh. Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm điều tra làm rõ, phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định.