Vươn lên từ thế mạnh nông nghiệp

10:07, 26/11/2016

 Trong bức tranh kinh tế - xã hội đang phát triển “nóng” nói chung của T.X Phổ Yên, thì xã Vạn Phái giống như một nét trầm. Thực tế, đây cũng là xã thuộc nhóm đi sau trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ 12/19 tiêu chí đã đạt. Làm thể nào để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân luôn là trăn trở của đội ngũ lãnh đạo địa phương.

Ông Lê Văn Dần, Bí thư Đảng uỷ xã Vạn Phái nói với chúng tôi: Kể ra thì Vạn Phái có nhiều cái nhất, nhưng toàn nhất về khía cạnh khó khăn. Đó là: Giao thông cách trở và không thuận lợi; xa nguồn nước phục vụ sản xuất; canh tác nông nghiệp của người dân còn lạc hậu, không có doanh nghiệp nào đóng chân trên địa bàn… Xác định nông nghiệp vẫn là lĩnh vực sản xuất chính và cũng là thế mạnh của địa phương nên Đảng ủy, chính quyền xã đã ưu tiên các nguồn lực, nhất là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Theo thống kê, trên địa bàn xã Vạn Phái hiện được đầu tư 6 trạm bơm thủy lợi; khoảng 21/32km kênh mương đã kiên cố hóa. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, hàng năm xã cũng chủ động trích ngân sách địa phương hàng trăm triệu đồng để nạo vét, sửa chữa kênh mương và hệ thống trạm bơm. Nhờ vậy, nguồn nước phục vụ sản xuất luôn được đảm bảo.

 

Cánh đồng xóm Trường Giang làm một trong những vựa lương thực lớn của xã Vạn Phái. Vừa thu hoạch xong diện tích lúa mùa, bà con nơi đây đã khẩn trương làm đất để trồng cây màu vụ đông. Chị Vũ Thị Tuyết, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm cho biết: Mặc dù phần lớn lao động trẻ trong xóm đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là Nhà máy điện tử Samsung nhưng bà con không bỏ hoang phí ruộng đất. Trồng rau vụ đông vừa tạo việc làm cho những người trung tuổi ở nhà, lại có nguồn thu nhập khá từ 2-3 triệu/sào. Anh Trần Đức Bằng, ở cùng xóm Trường Giang có chung quan điểm: Cấy lúa tỷ lệ lợi nhuận rất thấp nên chúng tôi chỉ làm đủ ăn và phục vụ chăn nuôi. Rau màu dần trở thành cây trồng cho thu nhập chính. Trồng rau đòi hỏi đầu tư lớn, công chăm sóc cũng vất vả hơn nhưng bù lại hiệu quả gấp từ 3-5 lần so với cây lúa. Điều thuận lợi là hệ thống thủy lợi ở xóm hiện được đầu tư rất tốt nên bà con có điều kiện thâm canh tăng vụ và năng suất.

 

Những năm gần đây, diện tích rau màu vụ đông ở Vạn Phái liên tục tăng và hiện duy trì ở mức gần 100ha. Để giúp người dân tiêu thụ nông sản thuận lợi, UBND xã đang có kế hoạch thi công tuyến đường bê tông kết nối với xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (T.P Hà Nội). Hiện dự án đã xong khâu giải phóng mặt bằng và đang chờ bố trí vốn để thực hiện. Khi hoàn thành tuyến đường này, các sản phẩm rau quả của địa phương sẽ dễ dàng tiếp cận với thương lái đến từ Thủ đô Hà Nội, giúp tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

 

Cùng với trồng trọt, xã Vạn Phái cũng khuyến khích người dân đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung. Hàng năm, xã đều phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi thú ý và tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Ở Vạn Phái hiện chưa có trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhưng các mô hình gia trại đã xuất hiện ngày càng nhiều. Mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Trần Văn Tăng, ở xóm Hạ Vụ 2 là một ví dụ. Ông Tăng thông tin: Trước đây tôi chỉ chăn thả nhỏ lẻ vài chục con gà mà mấy con lợn nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và vườn bãi rộng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn và được đi tham quan, tôi quyết định mở rộng quy mô, chuyển từ chăn thả sang nuôi nhốt tập trung. Hiệu quả thì đã thấy rõ, nhờ xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật và thực hiện đúng quy trình chăm sóc nên rủi ro về dịch bệnh rất thấp. Thu nhập từ chăn nuôi cũng rất ổn định. Hiện, gia trại của gia đình ông Tăng đang duy trì quy mô khoảng 2.000 gà đẻ trứng/lứa, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Lê Văn Dần thông tin: Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi tiếp tục xác định nông nghiệp là lợi thế và điểm tựa trong phát triển kinh tế nói chung. Hiện này, bình quân thu nhập của người dân trong xã đã đạt trên 20 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 6%. Trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ cũng xác định không chạy theo thành tích đi vào thực chất, với mục tiêu trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, từ đó tạo tiềm lực vững chắc để thực hiện các tiêu chí còn lại.