Theo nhận định, thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những ngày qua, nền nhiệt độ đã hạ thấp, có nơi chỉ 13 đến 15 độ C. Trước tình hình này, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Định Hóa đã chủ động các biện pháp chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Chị Phạm Thị Cúc, xóm Làng Há, xã Lam Vỹ cho biết: Hiện gia đình tôi đang nuôi 126 con lợn thịt, 24 con lợn nái. Những ngày qua, nền nhiệt độ xuống thấp, gia đình tôi đã dùng bạt cuốn quây kín xung quanh (chỉ để hở cách mái 50cm), tăng cường lắp thêm bóng điện để sưới ấm. Nền chuồng được đặt sàn gỗ, quét dọn 4 lần/ngày. Tại ngăn chuồng của lợn con, gia đình cũng thắp thêm bóng úm. Ngoài ra, gia đình còn tăng lượng thức ăn cho đàn lợn. Đề phòng trường hợp bị mất điện đột ngột, gia đình cũng xây dựng phương án tích sẵn củi để đốt sưởi ấm cho đàn lợn...
Đi đến các hộ chăn nuôi khác ở xã Lam Vỹ và các xã như: Kim Phượng, Tân Thịnh, Tân Dương, Phượng Tiến..., chúng tôi nhận thấy công tác phòng chống đói rét và bệnh tật cho đàn vật nuôi cũng coi trọng. Chị Ma Thị Hằng, xóm Cạm Phước, Kim Phượng cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi trên gần con lợn thịt, 30 con lợn nái. Để chống rét và phòng dịch bệnh trong mùa đông, tôi đã mua trên 140m2 bạt để quây xung quanh khu chuồng trại, lắp thêm các bóng để sưởi ấm, lót sàn cho các chuồng nuôi. Ngoài ra, gia đình còn điều chỉnh, khẩu phần ăn chống rét cho đàn lợn.
Huyện Định Hóa hiện có khoảng 7.193 con trâu, 3.847 con bò, trên 46 nghìn con lợn, 21,7 nghìn con dê và trên 600 nghìn con gia cầm... Nhằm chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ngay từ cuối năm 2016, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan chỉ đạo cán bộ và nhân dân thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết khí hậu và chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Bà Trần Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết: UBND xã đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng bổ sung đối với đàn vật nuôi tăng đàn, triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc; chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống cơ sở hướng dẫn, khuyến cáo hộ chăn nuôi bổ sung thức ăn, nước uống đầy đủ cho vật nuôi trong mùa đông; trong những ngày rét đậm kéo dài, khuyến cáo bà con không được chăn thả trâu, bò tự do mà phải được nhốt trong chuồng có che chắn kín gió bằng các tấm đan từ tre, nứa hoặc quây bạt và đốt củi, trấu sưởi ấm... Qua đó, người chăn nuôi đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi. Nhiều hộ đã chủ động sửa chữa, gia cố lại chuồng trại, che chắn kín gió, đảm bảo vừa ấm, vừa khô ráo và dự trữ sẵn rơm, rạ, thức ăn tinh cho vật nuôi trong những ngày giá rét.
Bên cạnh sự chỉ đạo và khuyến cáo của UBND các xã, thị trấn, Trạm Khuyến nông cũng đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn phối hợp với UBND xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, trị bệnh và chống đói rét cho vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, Trạm Chăn nuôi - Thú y cũng phối hợp với các xã tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào địa bàn huyện; chỉ đạo cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn phối hợp với xã khuyến tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, trị bệnh và chống đói rét cho vật nuôi, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh. Trạm còn tăng cường rà soát, tuyên truyền và khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng bổ sung một số loại văc xin phòng bệnh, mua con giống có nguồn gốc rõ ràng.
Bà Triệu Thị Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho hay: Ngay từ đầu mùa đông, Phòng đã tham mưu UBND huyện có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi - thủy sản. Tiếp đó, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện có hướng dẫn và xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời trên hệ thống loa truyền thanh giúp người chăn nuôi biết, chủ động trong công tác bảo vệ đàn vật nuôi...