Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là các cây ATM (máy rút tiền tự động) trên địa bàn tỉnh lại trong tình trạng quá tải, khiến việc giao dịch tốn không ít thời gian. Nhiều người vẫn cho rằng để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của ngân hàng, mà chưa ý thức được rằng bản thân mỗi người đều có thể góp phần hạn chế sự quá tải này…
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 300 nghìn người sử dụng thẻ ATM, trong đó, có nhiều người thường xuyên sử dụng từ 2-3 thẻ, thậm chí là nhiều hơn của nhiều ngân hàng khác nhau. Mặc dù không phải tất cả các thẻ đều được sử dụng trong dịp Tết, nhưng ngược lại, có những thẻ được sử dụng vài lần vào những ngày này để thực hiện các giao dịch khác nhau. Bởi thế, có thể nói, việc sử dụng thẻ ATM dịp Tết là rất lớn.
Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 195 máy ATM, tăng 18 máy so với đầu năm 2016, của 22 chi nhánh ngân hàng thương mại. Với số cây ATM này, vào những ngày bình thường về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Chỉ có 2 địa phương là Võ Nhai và Định Hóa do mỗi huyện chỉ có duy nhất 1 cây ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) nên vào những ngày cán bộ, công chức và công nhân của một số nhà máy lớn trên địa bàn được chuyển lương khiến mỗi tháng thường thường có một vài ngày bị quá tải. Tuy nhiên, vào những ngày giáp Tết, do nhu cầu chuyển, rút tiền của người dân tại các cây ATM quá lớn nên đều xảy ra tình trạng quá tải và năm nay, sự quá tải này càng trở nên trầm trọng hơn mặc dù lượng cây ATM tăng đáng kể so với các năm trước. Nguyên nhân được cho là lượng người dùng thẻ ATM ngày càng nhiều. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân quan trọng khác đó là tiền lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp nhà nước tháng 1-2017 được chi trả vào các ngày từ 18-20 (21-23 Tết) - chậm hơn khoảng 10 ngày so với các tháng trước, do các địa phương chờ được phân bổ hạn mức từ Trung ương, càng khiến số người sử dụng dịch vụ tại các ATM trở nên quá sức, nhất là đối với cây ATM của những ngân hàng lớn, như: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank…
Khảo sát tại nhiều cây ATM trên địa bàn trung tâm T.P Thái Nguyên và khu vực Công ty Điện tử Samsung (T.X Phổ Yên) vào những ngày này, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là sự tập trung của khá đông người. Một số người dường như đã quen với việc này nên cho rằng việc phải chờ đợi là chuyện đương nhiên, nhưng phần đông đều tỏ ra mệt mỏi. Chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ một cơ quan nhà nước tỏ ra khá bức xúc: Tôi đã đi tới đi lui 4 cây ATM mà thấy cây nào cũng có hàng chục người đứng xếp hàng nên đành dừng lại tại một cây. Khi đã sắp đến lượt tôi được rút thì máy báo lỗi nên tôi và một số người lại phải di chuyển sang cây ATM khác. Để rút được gần 3 triệu đồng tiền lương tôi đã phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ.
Trao đổi với đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng trên địa bàn, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến chung đó là mặc dù đã có sự chuẩn bị khá chu đáo về mọi mặt, từ bố trí lực lượng trực tiếp quỹ, đến việc tăng cán bộ chi trả tiền mặt tại quầy, chuẩn bị đủ cơ cấu 4 loại tiền theo quy định (10.000, 50.000, 100.000 và 500.000 đồng) nhưng tình trạng quá tải tại các cây ATM từ khoảng 20 Tết trở đi vẫn diễn ra trầm trọng. Cũng do lượng giao dịch quá lớn, nhiều người lại sử dụng không đúng các hướng dẫn đã khiến một số cây ATM bị treo thậm chí là bị hỏng, làm gián đoạn việc thực hiện các giao dịch của người dân. Ở một số ngân hàng, do cho phép chủ thẻ được rút số tiền từ vài chục nghìn đồng trở lên nên nhiều người vì không đổi được tiền lẻ đã ra cây ATM để rút tiền 10 nghìn đồng. Vì thế, có những người thực hiện tới hàng chục lần giao dịch càng khiến người đến sau phải chờ lâu.
Theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên: Khoảng từ 20 Tết, cứ trung bình 2 ngày, Chi nhánh tiếp quỹ từ 3-4 lần, mỗi lần tiếp 1,7-1,8 tỷ đồng/cây. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Chi nhánh đã tăng lực lượng cán bộ ứng trực 24/24 giờ để giải quyết các tình huống phát sinh. Đơn cử như trong ngày 24 Tết, do bị nghẽn mạng từ máy chủ của Hội sở chính nên có 2 khách hàng của ngân hàng khi thực hiện giao dịch mặc dù không rút được tiền nhưng vẫn bị trừ tiền vào tài khoản. Ngay lập tức, bộ phận ứng trực đã liên hệ với khách hàng để hướng dẫn cách xử lý.
Còn theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Trước nhu cầu sử dụng tại các cây ATM quá lớn trong những ngày này, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tăng cường công tác an ninh, kịp thời xử lý các tình huống, không để tình trạng hết tiền, kể cả vào ban đêm. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Khoa cũng cho rằng chính thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch của đại bộ phận người dân càng khiến việc sử dụng các cây ATM vào dịp Tết quá tải. Bởi thực tế cho thấy, mặc dù trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cửa hàng, siêu thị, nhà hàng đã lắp đặt máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ) nhưng hiệu quả lại không cao, vì số người sử dụng ít, mặc dù hầu như ai cũng có thẻ ATM. Ngoài ra, do nhiều người chưa nắm được các quy định nên không biết thẻ của ngân hàng này có thể rút tại ngân hàng khác, bởi hầu hết các ngân hàng đều đã tham gia Banknetvn.
Quá tải tại các cây ATM vào dịp Tết đã trở thành câu chuyện chung của không riêng gì Thái Nguyên và nó được ví như câu tắc đường tại các đô thị lớn vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, nếu mỗi người có ý thức và nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc sử dụng thẻ ATM thì sự quá tải này chắc chắn sẽ được khắc phục phần nào.