Hướng mở giải quyết khó khăn về vốn

17:27, 13/01/2017

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với hơn 2.600 thành viên tham gia, hoạt động trên địa bàn một số xã, thị trấn của T.X Phổ Yên và huyện Phú Lương. Cùng với các tổ chức tín dụng khác, 2 quỹ này từ lâu đã trở thành địa chỉ hỗ trợ vốn kịp thời, hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Được thành lập từ cuối năm 2008, những năm qua, QTDND Yên Minh (xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên) đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vốn vay cho các cơ sở sản xuất và gia đình trên địa bàn 3 xã: Tiên Phong, Đồng Tiến và Đông Cao. Đơn cử như xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình ông Dương Văn Kết (ở thôn Giã Trung, xã Tiên Phong) đã được QTDND cho vay hơn 300 triệu đồng để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất. Ông Kết cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo nhất xóm. Vì thế, để có tiền lo cho vợ con, tôi đã đi làm mộc thuê ở Bắc Ninh. Sau khi làm nghề thành thạo, tôi trở về quê nhà mở xưởng đồ gỗ mỹ nghệ. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất đó là nguồn vốn. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy tuy lãi suất cho vay tại QTDND Yên Minh cao hơn so với các ngân hàng nhưng vẫn có thể chấp nhận được (lãi suất vay thế chấp là 1,08%/tháng, vay tín chấp 0,96%/tháng). Nhưng bù lại, khâu thẩm định và giải quyết cho vay vốn rất nhanh gọn, trụ sở của Quỹ lại nằm ngay gần nhà. Do vậy, năm 2009, tôi quyết định vay vốn tại QTDND Yên Minh. Có vốn trong tay, gia đình tôi đã mua gỗ, máy móc và làm nhà xưởng sản xuất nên kinh tế dần ổn định. Hiện nay, doanh thu hàng tháng của xưởng mộc nhà tôi đạt trên 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 15-17 lao động với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Mừng nhất là sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đến nay, nhà tôi đã trả được hết vốn vay của QTDND.

 

Được biết, xã Tiên Phong hiện có trên 350 cơ sở SXKD đồ gỗ mỹ nghệ, hàng trăm hộ kinh doanh, do vậy, nhu cầu gửi tiền và vay vốn của người dân trên địa bàn luôn cao. Ngoài nguồn vốn vay của các ngân hàng, QTDND Yên Minh đã hỗ trợ kịp thời vốn cho các thành viên đầu tư vào SXKD. Tổng dư nợ cho vay của Quỹ hiện xấp xỉ 50 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 0,27%. Doanh số cho vay của quỹ năm 2016 là trên 100 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với năm 2015). Ông Tạ Trung Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Yên Minh, cho biết: Theo quy định, Quỹ được cho vay tối đa là 550 triệu đồng (đối với vay thế chấp) và 200 triệu đồng (đối với vay tín chấp). Mặc dù lãi suất cho vay của Quỹ có nhỉnh hơn so với các ngân hàng, song ưu điểm của Quỹ đó là thủ tục cho vay nhanh gọn, tiện lợi, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Với trường hợp người dân trả lại vốn vay trước thời hạn, Quỹ sẽ không tính thêm phí như nhiều ngân hàng khác. Cùng với đó, người dân đến vay vốn nếu có nhu cầu sẽ được cán bộ của Quỹ tư vấn, hướng dẫn sử dụng và quản lý đồng vốn có hiệu quả.

 

Còn ở huyện Phú Lương, mô hình QTDND cũng phát triển sôi động không kém, trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lôi Đình Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND cơ sở Phú Lương (trụ sở tại thị trấn Đu) cho biết: Quỹ hiện có tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 34 tỷ đồng (bao gồm tiền gửi tiết kiệm, vốn ngân hàng HTX, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ). Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác huy động vốn nên tại địa bàn, số tiền gửi đạt gần 19 tỷ đồng, hỗ trợ tích cực cho các thành viên vay vốn phát triển SXKD; dư nợ hiện nay là trên 33,4 tỷ đồng với gần 760 hộ dân vay vốn. Các thành viên đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư SXKD có hiệu quả, thanh toán gốc và lãi kịp thời; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,16% trong tổng dư nợ.

 

Là thành viên của Liên minh HTX tỉnh, tôn chỉ, mục đích hoạt động của 2 QTDND nói trên chính là hợp tác, tương trợ các thành viên vay vốn để tăng cường đầu tư phát triển nhanh kinh tế hộ thành viên. Mặc dù so với tổng nguồn vốn và dư nợ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh là hơn 30.000 tỷ đồng thì nguồn vốn và dư nợ của 2 QTDND chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nhưng với sự hoạt động hiệu quả trong những năm qua đã giúp hàng nghìn lượt hộ và doanh nghiệp trên địa bàn kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn để phát triển SXKD. Từ 30 thành viên ban đầu, đến nay, QTDND Yên Minh đã có 1.250 thành viên, QTDND cơ sở Phú Lương có 1.362 thành viên.

 

Không chỉ tăng nhanh về số lượng thành viên, để phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn, những năm qua, chất lượng của các QTDND cơ sở ngày càng nâng cao. Điều đó được thể hiện ở chỗ các thủ tục giao dịch tại các QTDND ngày càng đơn giản, nhanh gọn; lãi suất được điều chỉnh phù hợp theo hướng có lợi cho người dân; đội ngũ cán bộ của quỹ được đào tạo bài bản, phục vụ chuyên nghiệp. Cùng với đó, trang thiết bị ngày càng được đầu tư hiện đại hóa, hệ thống thông tin quản lý được kết nối trực tiếp và cập nhật thường xuyên với Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Qua đó, các hoạt động của QTDND được giám sát chặt chẽ. Cũng theo ông Tạ Trung Bình: Để quản lý nguồn vốn hiệu quả, giảm nợ xấu, Quỹ thực hiện quản lý dựa trên phần mềm CMC (phần mềm cung cấp các giải pháp, ứng dụng dành cho ngân hàng). Ngoài ra, Quỹ cũng  thẩm định kỹ càng phương án sản xuất, nguồn trả nợ… trước khi cho người dân vay vốn. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đều tiến hành thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động của 2 QTDND. Qua kết luận của các đợt thanh, kiểm tra cho thấy, các QTDND trên địa bàn đều hoạt động hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật. Trong bối cảnh nhiều QTDND trên cả nước hoạt động còn lỏng lẻo, kém hiệu quả thì hoạt động của 2 Quỹ này đã khẳng định chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ của Quỹ, đặc biệt là Ban Quản trị cũng như sự vào cuộc giám sát chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước tỉnh và các cấp, ngành liên quan.

 

Qua thực tế hoạt động của 2 QTDND tại các địa phương đã chứng minh đây là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, được đông đảo nhân dân ủng hộ, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giúp hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Đây được xem là một trong những hướng mở giải quyết khó khăn về vốn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống cho người dân.