Theo quy luật thị trường, vào dịp cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng kéo theo giá thịt lợn cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, năm nay chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng giá thịt hơi lại đang có xu hướng giảm mạnh khiến người chăn nuôi không khỏi lo lắng.
Huyện Phú Bình một trong những địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi nhất tỉnh, hiện đa số các hộ chăn nuôi lợn đang đứng ngồi không yên bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí đầu vào tăng trong khi giá lợn hơi lại đang sụt giảm mạnh. Anh Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Trạng Đài, xã Tân Kim (Phú Bình) cho biết: Hiện, giá lợn hơi chỉ còn 32.000-35.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với cách đây 2 tháng và giảm 12.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với mức đỉnh điểm vào tháng 5-2016, giá lợn hơi bán ra tại trại hiện nay đã giảm từ 14.000 - 20.000 đồng/kg. Nhà tôi đang nuôi 200 con/lứa, nếu không tính giá lợn giống của nhà thì may ra hòa vốn chứ không có lãi.
Không chỉ ở Tân Kim, tại các xã khác của huyện Phú Bình như Tân Đức, Tân Khánh, Bàn Đạt, các hộ chăn nuôi cũng đang trong tình trạng thấp thỏm không yên vì giá lợn xuống thấp. Theo nhiều hộ chăn nuôi, đối với lợn siêu nạc có mẫu hình thức đẹp thì còn bán được với giá 37.000 đồng/kg, đối với lợn siêu mỡ trọng lượng trên 100 kg của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giá chỉ được 30.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua. Với mức giá này, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ nặng.
Tại huyện Đại Từ, chúng tôi thấy tình trạng cũng không khá hơn. Anh Trần Trọng Hảo, ở xóm 8, xã Phú Xuyên cho biết: Gia đình tôi đầu tư nuôi hơn 10 con lợn để bán vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng với mức giá này cầm chắc thua lỗ. Hiện gia đình tôi chỉ biết cắt giảm tối đa chi phí thức ăn và chăm sóc tốt để đàn lợn không bị mắc dịch bệnh. Thời điểm này, đối với hộ nào có sẵn lợn con trong chuồng thì mới tiếp tục tái đàn. Đối với các hộ phải đi mua lợn giống thì đều cắt giảm số lượng đàn mới.
Toàn tỉnh hiện có 409 trang trại chăn nuôi lợn. Do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên trong năm 2016, đàn lợn phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn. Nguồn cung thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo dõi diến biến thị trường, chúng tôi nhận thấy, từ đầu năm 2016 đến nay, giá thịt lợn biến động lên xuống theo nhu cầu. Cụ thể, vào dịp đầu năm, giá lợn ở mức trung bình 40 nghìn đồng/kg và có chiều hướng tăng dần. Đỉnh điểm của sự tăng giá là vào đầu tháng 5-2016, giá tăng đến 53.000 - 54.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất trong suốt 19 tháng trước đó. Mức giá này chỉ cầm cự được trong tháng 5 và đột ngột giảm khi bước sang tháng 6, giá lợn giảm đến 7.000 - 8.000 đồng/kg. Từ đây bắt đầu xu hướng giảm giá chung của nửa cuối năm 2016. Và hiện tại giá lợn xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến giá lợn giảm mạnh dịp cận Tết là do thị trường Trung Quốc giảm mua. Hơn nữa, thị trường trong tỉnh, đã hồi phục nguồn cung dồi dào từ khi thịt lợn bắt đầu tăng giá.
Giá lợn hơi giảm cũng khiến cho giá lợn giống giảm và các loại thịt cũng có chiều hướng giảm giá. Cụ thể, đối với thịt mông có giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, (giảm 10.000 đồng/kg); sườn có giá 7.000 đồng/kg, (giảm 15.000 đồng/kg); thịt thăn 70.000-75.000 đồng/kg, (giảm 10 nghìn đồng/kg). Mặc dù giá thịt lợn giảm nhưng mức tiêu thụ cũng rất chậm, khiến những hộ nuôi nhỏ lẻ càng khó xuất bán. Chị Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn ở chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho biết: Thịt lợn giảm giá, sức mua của người dân cũng giảm. Nếu như tháng trước, mỗi ngày nhà tôi thịt bán hết 3 con lợn nặng gần 1 tạ thì nay mỗi ngày chỉ bán được 1 con.
Vào thời điểm hiện tại, do bán không có người mua nên các hộ chăn nuôi đang có tâm lý bán đổ bán tháo đàn lợn đã đến lứa của mình để mong vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Điều này càng làm cho thương lái có cớ ép giá. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp - PTNT khuyến cáo người chăn nuôi không nên bỏ chuồng, ngừng sản xuất, vì chỉ sau vài tháng thị trường bị thiếu hụt nguồn cung, giá thịt lợn hơi thương phẩm sẽ lại tăng. Để hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần phối hợp với doanh nghiệp liên kết chăn nuôi theo chuỗi (từ các khâu giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến, thị trường), đồng thời, quan tâm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.