Mùa xuân trên những cánh rừng

16:11, 14/01/2017

Giáp Tết, chúng tôi cùng các cán bộ Chi cục Kiểm lâm đến những chốt, trạm kiểm lâm cao nhất, xa xôi nhất của các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương... Tại đây, chúng tôi được nghe các cán bộ kiểm lâm tâm tình chuyện vui Xuân, đón Tết bên những cánh rừng. Khi nhà nhà yên vui đón Tết, các anh vẫn bám trụ để bảo vệ rừng. Sự hy sinh thầm lặng của các anh góp phần bảo vệ cho đại ngàn mãi xanh tươi.

Dẫu trong những ngày nhà nhà tưng bừng đón Tết các anh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nơi non cao, đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng trên khuôn mặt những cán bộ Hạt Kiểm lâm ở huyện Đại Từ vẫn sáng niềm lạc quan, sự vui vẻ. Dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng nguyên sinh thuộc khu vực núi Hồng, núi Bóng, nơi có những cây chè cổ còn lưu giữ tại xã Minh Tiến, các cán bộ kiểm lâm của huyện Đại Từ nói vui: “Cảnh sắc trên cao vô cùng tươi đẹp, đến đó các nhà bão sẽ không muốn về”. Quả thực, sau khi đi bộ hơn 2 tiếng lên rừng, chúng tôi nao lòng trước cảnh núi rừng trùng điệp, những đám mây trắng bồng bềnh huyền ảo; hoa chuối, đào... đua nhau khoe sắc thắm; chim rừng “ca” những bản nhạc véo von. Nhưng khi các anh chia sẻ về công tác bảo vệ rừng, các anh cho biết phải đối diện với không ít khó khăn. Cán bộ kiểm lâm phải dựa vào già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc và bảo vệ rừng, phần lớn người dân đã nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của rừng trong việc bảo vệ môi trường sống cũng như góp phần phát triển kinh tế hộ, họ đã có ý thức hơn trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

 

Đồng chí Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp luôn tích cực trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ rừng đến từng hộ dân; thực hiện các giải pháp đồng bộ về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững nên các chỉ tiêu về lâm nghiệp năm 2016 đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 415,7 tỷ đồng, tăng 7,17% so với năm trước; trật tự trong quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được giữ vững; độ che phủ rừng được duy trì ổn định trên 52%. Đặc biệt, thông qua các chương trình, dự án do Chi cục triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, chủ rừng và người dân...

 

Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc.

 

Có thể nói, việc tham mưu và triển khai thực hiện một loạt các chương trình, đề án lớn, như: Đề án “Cánh rừng mẫu lớn” xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa giai đoạn 2013-2020; Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp; Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2020”; Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2020”; Đề án “Quy hoạch mạng lưới chế biến và thương mại lâm sản tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”... đã góp phần đưa nghề rừng trở thành ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh của rừng tạo được thế cân bằng trong đảm bảo môi trường.

 

Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện các dự án, như: “Điều chỉnh phân định ranh giới cắm mốc, bảng 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2015”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trồng Đinh Lăng và Ba Kích tím để sản xuất dược liệu tại tỉnh Thái Nguyên”; Rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2016; tổng điều tra kiểm kê rừng giai đoạn 2014-2016; Điều chỉnh ranh giới, diện tích Vườn quốc gia Tam Đảo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Đề tài khoa học “Nghiên cứu trồng khảo nghiệm một số giống Mắc ca trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”… đã giúp người dân có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đảm bảo thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.

 

Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm qua, năm 2017, Chi cục Kiểm lâm sẽ tập trung vào quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đặc biệt quan tâm đến chế biến lâm sản và trồng rừng gỗ lớn tạo động lực phát triển kinh tế lâm nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn công tác bảo vệ và phát triển rừng với Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới bằng các mô hình hiệu quả.

 

Mùa Xuân đã về cho cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi. Chúng tôi hy vọng về một môi trường sống ngày càng được cải thiện; về sự đổi mới của nhiều địa phương nhờ biết phát huy thế mạnh của kinh tế đồi rừng…