Nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chè

17:05, 23/01/2017

Là vùng chè trọng điểm của T.X Phổ Yên, xã Thành Công hiện có diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) khá lớn, với 190/340ha. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chè của địa phương.

Về xã Thành Công vào một ngày cuối đông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhiều đồi chè ở đây vẫn đâm chồi xanh mướt. Chị Lý Thị Nhu, ở xóm Xuân Hà 3 cho biết: Nhờ được tưới nước thường xuyên nên những đồi chè mới lên xanh tốt như vậy. Rồi chị chỉ về phía đồi chè trước mặt, nói: Ở đây, người dân trồng giống chè giâm cành nhiều lắm, vài năm tới chắc chắn sẽ chẳng còn giống chè trung du nữa. Điều này cũng dễ hiểu, vì giống chè nào cho năng suất cao, chất lượng tốt và bán được giá thì người dân sẽ tập trung trồng.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cây chè đã bén rễ trên đất Thành Công từ những năm 60 và ở cả 29 xóm của xã đều có các hộ làm chè. Tuy nhiên, mới khoảng 5 năm trở lại đây, khi diện tích chè ngày càng được mở rộng theo hướng tập trung, các giống chè giâm cành như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... được đưa vào trồng nhiều thay thế cho giống chè trung du thì loại cây này mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, các giống chè mới đã chiếm khoảng 70% tổng diện tích chè của xã. Bà Lê Thị Hiên, ở xóm Đồng Đông, cho biết: Các giống chè giâm cành đạt năng suất rất cao, từ 105-110 tạ/ha (cao hơn giống chè trung từ 35-40tạ/ha). Với giá bán chè búp khô từ 200-300 nghìn đồng/kg, trên cùng một đơn vị diện tích, các giống chè cành cho thu nhập cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giống chè cũ.

 

Qua ba lần tổ chức Festval Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam, sản phẩm chè của xã Thành Công đã được nhiều khách hàng tìm mua. Có lẽ việc chuyển đổi cơ cấu giống để nâng cao chất lượng sản phẩm chính là nguyên nhân khiến cho sản phẩm chè búp ở đây ngày càng được thị trường trong nước ưa chuộng. Không dừng lại ở đó, để nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, 13 làng nghề chè truyền thống của xã đang đẩy mạnh việc sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP. Để giúp các làng nghề chè tiếp cận được với quy trình sản xuất chè đòi hỏi sự tỉ mỉ này, hằng năm, UBND xã luôn là cầu nối kết nối các nhà khoa học với người dân trồng chè ở địa phương. Theo đó, các nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn quy trình chăm sóc chè theo hướng an toàn và đào tạo nghề sản xuất chè cho nông dân. Còn bà con dựa vào những kiến thức được tìm hiểu đã mạnh dạn áp dụng trên đồi chè của gia đình.

 

Ngoài ra, trong hai năm 2014-2015, xã Thành Công đã kết nối với Viện Nông hóa thổ nhưỡng (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất than sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng cây chètại xóm Đồng Đông. Dự án này rất thành công khi không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè mà còn giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xanh, sạch. Hiện nay, dự án đã kết thúc nhưng tình trạng vứt các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ bừa bãi; để phân chuồng lưu cữu gây ô nhiễm môi trường không còn. Thay vào đó, các hộ dân đã ứng dụng khoa học công nghệ để biến những phụ phẩm nông nghiệp thành than sinh học giữ độ ẩm cho đất, giúp cây chè sinh trưởng tốt qua thời kỳ khô hạn...

 

Không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, UBND xã Thành Công còn chủ động giới thiệu sản phẩm chè của địa phương đến thị trường trong và ngoài nước theo nhiều hình thức như tại các lễ hội của T.X Phổ Yên và của tỉnh; tại các hội chợ do ngành Công Thương Thái Nguyên tổ chức; tại các siêu thị.

 

Dù không phải là vùng chè có thương hiệu nổi tiếng như Tân Cương nhưng nhờ có hướng phát triển phù hợp với xu thế của người tiêu dùng, sản phẩm chè Thành Công đã đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế. Những kết quả bước đầu ấy là động lực để chính quyền và nhân dân nơi đây tiếp tục thực hiện những lộ trình mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho cây chè. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt, địa phương sẽ tiếp tục duy trì bền vững và mở rộng thêm diện tích sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP. Cùng với đó là quan tâm tới mẫu mã sản phẩm và quảng bá sản phẩm ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để các làng nghề chè phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên nhằm hạn chế sản phẩm nhái chè Thành Công dưới nhiều hình thức. Đồng thời nghiên cứu thị trường, định hướng để người dân bán chè với giá phù hợp với từng thời điểm...