Những dự báo thuận - nghịch

10:26, 11/01/2017

Mặc dù mới bước sang năm mới chưa đầy nửa tháng, song gần như tình hình phát triển công nghiệp (CN) trên địa bàn tỉnh cả năm 2017 đã được nhiều chuyên gia kinh tế dự tính, dự báo khá chi tiết. Theo đó, năm nay sẽ là năm có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn đối với ngành CN của tỉnh. Dù vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch CN của tỉnh vẫn rất cao.

Dựa trên kết quả đạt được năm trước, năm 2017 các nhà xây dựng kế hoạch của tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng giá trị sản xuất CN của tỉnh là 563.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Đây được xem là mức chỉ tiêu vừa phải bởi năm trước, toàn tỉnh đạt giá trị sản xuất CN trên 477.000 tỷ đồng, tăng tới 26,7% so với năm 2015. Theo ông Đôn Văn Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Công Thương), năm nay thị trường thế giới sẽ có nhiều tác động bất thường, trong khi sản xuất CN chủ đạo của tỉnh lại trông vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với sản phẩm xuất khẩu là chủ yếu. Bởi vậy, để ở mức tăng trưởng 18% là hợp lý.

 

Cũng theo ông Thủy, thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) của chúng ta đã chuẩn bị các bước sẵn sàng để tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump có tuyên bố sẽ rút khỏi TPP sau khi nhậm chức. Dù chưa biết thực hư thế nào, song đây cũng là đòn tâm lý tác động không nhỏ đến các DN trong nước và của tỉnh. Từ đó, dẫn đến việc các DN phải tính toán lại cơ cấu, quy mô sản xuất, có thể là chậm đầu tư, tạm đầu tư hoặc thu nhỏ mô hình sản xuất. Như vậy, sẽ có những tác động không tốt đến giá trị sản xuất CN của tỉnh.

 

Với những biến động khó lường của thị trường thế giới, nhất là sự chi phối từ thị trường Mỹ thì một số ngành công nghiệp nhẹ, xuất khẩu trong nước sẽ gặp khó khăn. Đối với tỉnh ta, dự báo khả năng ảnh hưởng nhiều nhất là khu vực may mặc xuất khẩu. Đây là mặt hàng phụ thuộc chủ yếu vào hai thị trường Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, hiện tại hai thị trường này đều gặp những khó khăn do phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công cao. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, nơi thương hiệu may mặc số 1 của tỉnh là TNG đang có thị phần tương đối cũng sẽ khó tránh khỏi những tác động. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã từng khẳng định với báo chí rằng, chính TPP sẽ giúp “xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thêm một lần cất cánh bay xa” trong đó có DN của ông. Tuy vậy, nếu Mỹ không tham gia TPP vì lo ngại về công ăn việc làm của công dân nước mình sẽ bị ảnh hưởng thì khả năng tiêu thụ sản phẩm của TNG năm 2017 khó tránh khỏi khó khăn. Nếu thị trường hàng may mặc không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sản xuất CN của tỉnh bởi khu vực này năm 2016 đạt sản lượng trên 51 triệu sản phẩm, trong đó xuất khẩu 46 triệu sản phẩm.

 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chuyên môn, mặc dù nhiều khả năng phải đối phó với những khó khăn trên, song cơ bản năm 2017 sẽ là năm thuận lợi cho toàn ngành CN. Đối với CN địa phương, nhất là CN khai khoáng, luyện kim hiện đã có dấu hiệu sôi động trở lại và dự báo năm 2017 giá các loại khoáng sản sẽ tăng. Do đó, năm nay tỉnh đặt mục tiêu CN địa phương đạt giá trị 19.600 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm trước. Theo nhận định của ngành Công Thương, chỉ tiêu này là khả thi vì cùng với gần 100 DN chế biến khoáng sản, trong năm nay khả năng Dự án chế biến sâu khoáng sản của DN Vương Anh tại xã Sơn Cẩm (Phú Lương) khởi động sẽ đóng góp khá lớn cho khu vực CN này. Cũng theo phân tích của ngành Công Thương, những năm tiếp theo khả năng CN địa phương sẽ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm vì hiện tại toàn tỉnh đang tập trung cao độ đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó có dành quỹ đất, nguồn lực nhất định để phát triển CN, tiểu thủ CN, làng nghề.

 

Khu vực CN Trung ương năm 2017 cũng có mục tiêu tăng 3% so với năm trước mặc dù dự kiến các DN nội ngành sẽ không thay đổi nhiều về quy mô, dây chuyền sản xuất. Và khả năng hoàn thành kế hoạch là rất cao vì cũng không có nhiều tác động xấu từ thị trường.

 

Riêng đối với khu vực CN vốn FDI, nơi có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với toàn ngành CN của tỉnh cũng được dự báo là sẽ khởi sắc. Khu vực này năm nay có mục tiêu đạt 526.800 tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm trước. Để có cơ sở đề ra mục tiêu cao như vậy, các nhà xây dựng kế hoạch đã trông vào một số năng lực mới tăng thêm, trong đó chủ yếu là từ Samsung và các DN phụ trợ đi kèm. Năm nay, nhiều khả năng từ đầu quý III, Dự án đầu tư giai đoạn 2 của Samsung sẽ chính thức đưa vào vận hành. Cộng với đó, ngay từ những tháng đầu năm một số dự án phụ trợ cho Samsung tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) cũng chính thức cho ra sản phẩm. Và như vậy, chắc chắn kế hoạch CN đề ra của tỉnh năm nay sẽ về trước kế hoạch và khả năng vượt kế hoạch là rất cao.