Quanh năm gắn bó với ruộng đồng, từ thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra những loại công cụ, máy móc có tính ứng dụng cao, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi…
Gặp ông Nguyễn Xuân Thục, ở xóm Tân Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), người từng đoạt giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật do Hội Nông dân tỉnh tổ chức với sáng chế “Máy cày bừa, bón phân tự động”, chúng tôi được nghe ông kể lại về ý tưởng của mình với niềm đam mê, thích thú. Gia đình ông vốn làm nghề trồng và chế biến chè lâu năm. Trong quá trình sản xuất, ông nhận thấy khâu làm đất trồng chè tốn rất nhiều công sức. Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng chế tạo một chiếc máy làm đất cho đỡ vất vả. Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, ông đã chế tạo thành công chiếc máy cày bừa mini kết hợp bón phân tự động trước sự thán phục của bà con chòm xóm. Sáng chế của ông được tận dụng từ động cơ và linh kiện của chiếc xe máy cũ, gắn với giá đỡ do ông tự tay thiết kế, hàn nối bằng các loại sắt, thép, phế liệu. Chiếc máy có cấu tạo gồm: tay cầm lái, lưỡi cày, một bánh lồng làm bằng vành xe máy có gắn thêm lưỡi bám đất; động cơ xe máy 100 phân khối; hệ thống sên xích tải, kéo có chức năng giảm vòng quay bánh xe, tăng sức kéo cho lưỡi cày; bình chứa xăng tận dụng bằng chai nước suối; đằng sau lưỡi cày có gắn một ống thả phân vô cơ (được thiết kế thả quay vòng theo chu kỳ bánh xe chạy). Nếu như trước đây, một sào đất hai vợ chồng ông phải cuốc rãnh để trồng chè trong một ngày thì với chiếc máy này ông chỉ cần làm trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, theo ông Thục, sáng chế này vẫn còn một số hạn chế và hoạt động chưa ổn định, thời gian tới ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm...
Vốn khéo tay, lại có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng và chăm sóc cây cảnh nên ông Nguyễn Văn Hồng, 58 tuổi, ở xóm Soi, xã Ký Phú (Đại Từ) thường được các cơ quan, trường học trong và ngoài huyện thuê cắt tỉa cây cảnh. Tuy nhiên, trước đây, ông Hồng chủ yếu cắt tỉa thủ công bằng kéo nên khi công việc nhiều thường không kịp về tiến độ. Từ áp lực đó, những lúc rảnh rỗi, ông đã mày mò, nghiên cứu và chế tạo thành công 2 chiếc máy cắt tỉa cây cảnh gọn nhẹ, linh hoạt, hiệu quả và tiết kiệm (1 chiếc chuyên để cắt hàng cây theo đường thẳng; chiếc máy thứ hai đeo ở vai, chuyên dùng cắt tỉa ở trên cao), với chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/máy. Từ ngày có 2 chiếc máy, một mình ông Hồng có thể đáp ứng khối lượng công việc mà trước đây phải có tới 4-5 người như ông làm cật lực trong một ngày mới xong. Đặc biệt, máy không gây tiếng ồn cũng như ô nhiễm môi trường vì sử dụng bình ắc-quy điện nên các đơn vị có nhu cầu cắt tỉa cây cảnh đều rất thích.
Một sáng kiến mới đây có tính ứng dụng cao, góp phần giảm đáng kể chi phí, nâng cao năng suất trong quá trình chăn nuôi đã được Hội Nông dân tỉnh trao tặng giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 8, năm 2015-2016. Đó là sáng kiến làm chuồng úm gà bằng củi của hội viên Lê Thị Ánh, ở xóm La Đuốc, xã Tân Kim (Phú Bình). Sáng kiến của bà tưởng chừng đơn giản nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Xuất phát từ quá trình chăn nuôi gà, bà rút ra kinh nghiệm úm gà con là một trong những khâu quan trọng và rất cần thiết, quyết định đến năng suất, chất lượng đàn gà sau này. Trước đây, gia đình bà sử dụng rất nhiều cách để sưởi ấm cho gà (như dùng quạt sưởi, bóng điện công suất cao, củi đốt…) nhưng nhận thấy chi phí rất rất tốn kém mà nhiệt lại phân bố không đều. Từ đó, bà luôn trăn trở tìm cách cải tiến phương pháp úm gà. Trong một lần tình cờ xem những người thợ đắp lò để sấy thuốc lá, bà đã nảy ra ý tưởng thiết kế chuồng úm dùng nhiệt bằng củi để sưởi ấm cho gà. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, bà đã xây dựng thành công chuồng úm gà với các vật liệu đơn giản là gạch, cát, xi măng, que tre, ngói bò… Sau một thời gian sử dụng, phương pháp mới này đã giúp gia đình bà tiết kiệm được khoảng 60% chi phí so với úm gà bằng bóng đèn điện và giảm hẳn lượng khói gây ô nhiễm môi trường so với dùng củi đốt hoặc than tổ ong. Hiện nay, có 10 hộ chăn nuôi trong vùng cũng đã học tập cách xây dựng chuồng úm cải tiến của gia đình bà.
Những năm gần đây đã có nhiều sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật của nông dân trong tỉnh được ứng dụng rộng rãi, trong đó có những sáng chế mới hoàn toàn, cũng có những sáng chế dựa trên nền cũ để cho ra đời sản phẩm tốt hơn. Những sáng chế, cải tiến tuy nhỏ nhưng đã phát huy tư duy sáng tạo, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình lao động, sản xuất của bà con nông dân. Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Tiềm năng sáng tạo khoa học phục vụ sản xuất của bà con rất lớn. Từ năm 2001 đến nay, Hội Nông dân tỉnh định kỳ tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp ngành 2 năm/lần, với hàng trăm đề tài tham gia của các hội viên nông dân. Trong đó, có nhiều đề tài hay được chọn để tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và đoạt giải cao. Các đề tài, sáng chế dự thi đều có ý tưởng xuất phát từ thực tiễn sản xuất, bắt nguồn từ những trăn trở của người nông dân trong quá trình lao động hàng ngày. Sự sáng tạo của bà con đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất...
Những người nông dân gắn bó với đồng ruộng đã vươn bật sức mình, phát huy tư duy sáng tạo, tìm ra nhiều giải pháp, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nền nông nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển.