Để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững

10:18, 26/03/2017

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Phú Lương đã tập trung cho trồng rừng bởi nhận thấy lợi ích của nó. Trong hơn 17.000ha diện tích đất lâm nghiệp thì có tới hơn 14.000ha rừng sản xuất. Cũng vì nguồn nguyên liệu dồi dào nên nhiều cơ sở chế biến lâm sản cũng "mọc" lên. Tuy nhiên, vì phát triển ồ ạt nên đến nay trên 80% cơ sở chế biến đã buộc phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ, nhiều cơ sở còn lại thì hoạt động cầm chừng.

Nguyên nhân từ đâu?

 

Năm 2014, thấy nhiều người ở xã mở xưởng chế biến gỗ làm ăn phát đạt nên vợ chồng anh Lương Văn Tiến, ở xóm Gia Trống, xã Yên Đổ cũng quyết định đi vay tiền để đầu tư mở xưởng. Năm đầu tiên, bình quân mỗi tháng, xưởng chế biến của gia đình anh Tiến xuất bán tới cả trăm mét khối gỗ thành phẩm, chủ yếu là thanh giát giường. Tuy nhiên, sang năm 2016, nguồn nguyên liệu trên địa bàn huyện và một số huyện lân cận dần khan hiếm, giá nguyên liệu tăng cao nên cơ sở sở chế biến của gia đình anh đã gặp không ít khó khăn. Anh Tiến cho biết: Giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán không thay đổi đáng kể nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Trước đây, nguyên liệu mua vào chỉ khoảng 600 nghìn đồng/sitte (mỗi sitte tương đương với 0,75m3) thì nay lên tới gần 800 nghìn đồng/sitte. Trong khi đó, giá bán thành phẩm không đổi chỉ từ 1,7-1,8 triệu đồng/m3, trừ các chi phí như nhân công, thuế, lãi ngân hàng may ra hòa vốn. Sở dĩ xưởng vẫn hoạt động là để vợ chồng có việc làm, lấy công làm lãi còn chi trả các khoản nợ.

 

Xưởng chế biến lâm sản của gia đình anh Hoàng Tiến Dũng, ở xóm Ao Trám, xã Động Đạt cũng đang phải gặp chung khó khăn với anh Tiến. Anh Dũng cho biết: Tôi mở xưởng dăm băm từ năm 2012 với tổng đầu tư từ thuê địa điểm, máy móc, xây nhà xưởng hơn 1 tỷ đồng. Nguyên liệu tôi nhập vào là các đầu gỗ thừa, cây, cành củi nhỏ từ các xưởng bóc trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, từ khi giá nguyên liệu tăng cao, nhiều cơ sở bóc ngừng hoạt động nên chúng tôi gặp chung khó khăn. Máy móc đầu tư rồi nên tôi cứ túc tắc làm cho có việc.

 

Theo số liệu thống kê, trong 2 năm (từ năm 2014 đến 2015) là giai đoạn đỉnh điểm rộ lên phong trào mở xưởng chế biến gỗ ở Phú Lương với gần 200 cơ sở, đã giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động địa phương. Bình quân mỗi năm, các xưởng này xuất ra thị trường trong và ngoài nước khoảng trên dưới 40.000m3 gỗ thành phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ còn khoảng gần 20 cơ sở đang duy trì hoạt động. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến các cơ sở chế biến giảm nhanh đến vậy? Theo ý kiến của một số ngành chức năng của huyện, có nhiều nguyên nhân, trước tiên là thị trường xuất khẩu không ổn định. Thành phẩm của các xưởng chế biến lâm sản là dăm băm, ván bóc, lâm sản thô. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016, khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu, sau đó nhập khẩu lại với giá thấp nên nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động vì làm không có lãi. Câu hỏi đặt ra là chủ xưởng có thể xuất khẩu sang thị trường khác ngoài Trung Quốc như Nhật Bản, Đài Loan hoặc có thể ở nội địa? Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Yêu cầu thành phẩm của thị trường Trung Quốc đòi hỏi không cao như các thị trường khác. Chính vì vậy, ngay từ đầu, người dân chỉ đầu tư mua máy móc khá lạc hậu, thô sơ để chế biến thô, khi thị trường nhập khẩu ngừng hoạt động thì không chuyển sang sản xuất được các mặt hàng khác hoặc khó đầu tư công nghệ được trong chế biến. Để đáp ứng được các thị trường khác, các xưởng phải đầu tư trang thiết bị máy móc lại từ đầu.

 

Nhiều cơ sở chế biến mọc lên ồ ạt trong thời gian ngắn là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm  kéo theo đó là giá mua nguyên liệu chế biến tăng nhanh. Nhiều cơ sở để duy trì hoạt động, chấp nhận làm không lãi, tìm mua nguyên liệu ở các tỉnh, thành khác về chế biến. Ông Lương Văn Cầu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hùng Giang, xóm Đá Mài, xã Yên Đổ cho biết: Tôi đã đầu tư khoảng trên dưới 3 tỷ đồng mua máy ép ván, máy bóc và xây nhà xưởng. Bình quân, mỗi tháng cơ sở của tôi xuất ra thị trường khoảng 200m3 gỗ thành phẩm. Hiện tại, đang giải quyết việc làm cho 35 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. So với trước thì nay mua nguyên liệu rất khó khăn nhưng cơ sở vẫn phải hoạt động vì nếu ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến cả một hệ thống từ các xưởng chế biến con, máy móc đã đầu tư, công nhân lao động, …

 

Giải pháp nào để phát triển bền vững?

 

Theo ông Hoàng Duy Hưng: Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn căn cứ hiện trạng, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các vùng để định hướng quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản tại các địa phương ở phía Bắc và phía Tây của huyện. Đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến về quy mô và công nghệ chế biến, khuyến khích đầu tư dây chuyền tinh chế với công nghê, thiết bị máy móc hiện đại; định hướng về sản phẩm, chuyển hướng dần sang sản xuất sản phẩm gỗ nội thất phục vụ nội địa, sản xuất ván nhân tạo xuất khẩu sang thị trường trong nước và quốc tế… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như trên nên các cơ sở chế biến chưa phát triển đã phải đóng cửa.

 

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện, để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững đòi hỏi cần có sự vào cuộc, giúp đỡ, định hướng của các cấp chính quyền, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam trong việc quy hoạch tổng thể, cân đối khả năng đáp ứng nguyên liệu, phân bố mạng lưới và nhu cầu thị trường để quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, cần có chế độ chính sách hợp lý nhằm khuyến khích đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến gỗ; chính sách giao đất, giao rừng ổn định, lâu dài để người dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế rừng nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; tăng mức hỗ trợ khoanh nuôi, khoán bảo vệ rừng; có chính sách ưu đãi vay vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biên; đặc biệt, cần có văn bản quy định cụ thể, những cơ sở nào đủ điều kiện thì mới cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể, tránh tình trạng mở ồ ạt theo phong trào…