Thứ 2, 13/01/2025, 13:34

Đồng Kiệm phát huy nội lực

15:32, 22/03/2017

Những năm trước, xóm Đồng Kiệm, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) còn là xóm khó khăn, kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong cách nghĩ, cách làm mà bộ mặt của xóm đã có những thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân được nâng cao.

Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi có dịp đến xóm Đồng Kiệm. Đi trên con đường bê tông dẫn vào xóm, chúng tôi thấy hai bên đường được phủ bởi một màu xanh tươi non của những nương chè đang độ thu hái. Cùng đi với chúng tôi là ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng xóm Đồng Kiệm, ông Chiến không ngần ngại khoe với chúng tôi về những kết quả mà nhân dân Đồng Kiệm đã làm khá tốt trong thời gian vừa qua. Chỉ tay về phía con đường của xóm, ông Chiến bảo: Đây là tuyến đường trục chính của xóm đã được đổ bê tông từ năm 2005, đến nay đã xuống cấp, mặt đường nhỏ hẹp (chỉ rộng hơn 2m) không còn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Chúng tôi đã phối hợp với các đoàn thể trong xóm tuyên truyền, vận động bà con hiến trên 1.250m2 đất ruộng và vườn đồi có tuyến đường đi qua để mở rộng đường lên 5m, dài gần 1km. Vừa qua, xóm đã thuê máy gạt san phẳng mặt đường. Chúng tôi đã làm đơn xin cấp xi măng lên UBND xã, chỉ chờ thành phố hỗ trợ xi măng là bà con sẵn sàng đối ứng tiền (khoảng trên 400 triệu đồng) để đổ bê tông tuyến đường này.

 

Khi nghe ông Chiến nói với giọng quả quyết, chúng tôi cảm thấy vui lây với những gì mà bà con trong xóm đã làm được để có tuyến đường mới rộng hơn. Chúng tôi được biết, xóm Đồng Kiệm hiện có 94 hộ dân thì có đến 85% người dân ở đây theo đạo Thiên Chúa nên việc vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền của làm đường cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, tâm huyết vì việc chung của xóm, Ban Công tác Mặt trận cùng Trưởng xóm, Bí thư Chi bộ và các hội đoàn thể đã vào từng hộ gia đình tuyên truyền, giải thích ý nghĩa khi xóm có đường bê tông mới. Phần lớn các hộ sau khi được tuyên truyền, vận động đều đồng tình với chủ trương của xóm. Trong 15 hộ có đất bị ảnh hưởng bởi tuyến đường mới, hộ hiến ít thì vài chục mét, hộ hiến nhiều lên tới vài trăm mét vuông. Anh Ngô Văn Dùng, hộ dân hiến 500m2 đất ruộng và vườn chia sẻ: “Con đường là để phục vụ cho lợi ích của chính những người dân chúng tôi và sau này là con cháu chúng tôi được hưởng, có hiến thế chứ hiến nữa tôi vẫn sẵn sàng”. Ngoài ra, còn một số hộ cũng hiến nhiều diện tích đất để mở rộng tuyến đường bê tông của xóm như các hộ: ông Ngô Văn Dũng (300m2); ông Hoàng Văn Như (200m2); ông Ngô Xuân Kiên (100m2)...

 

Không những tích cực hưởng ứng việc làm đường bê tông của xóm, những năm gần đây, người dân xóm Đồng Kiệm còn rất chú trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo, người dân trong xóm đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè theo hướng an toàn. Nếu như những năm trước đây, hầu hết các hộ gia đình trong xóm chỉ quen trồng chè trung du cho năng suất, chất lượng thấp, thì nay có đến 95% diện tích chè của xóm đã được bà con trồng thay thế bằng các giống chè giâm cành: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên... cho năng suất, chất lượng cao. 100% số hộ đã đầu tư máy móc: tôn quay sao chè, máy vò chè... để chế biến biến chè. Bên cạnh đó, bà con trong xóm còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chế  biến chè do Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thành phố tổ chức, từ đó nâng cao hiểu biết để làm ra những sản phẩm chè chất lượng đến tay người tiêu dùng.

 

Để dễ dàng hơn trong việc trao đổi kinh nghiệm giữa những người làm chè từ kỹ thuật trồng đến khâu chăm sóc, chế biến chè, người dân trong xóm đã thành lập một Tổ hợp tác sản xuất (vào năm 2014) chè gồm 17 thành viên (chia làm 3 tổ), sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Lê Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Sản phẩm chè do Tổ hợp tác làm ra được Công ty CP Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình bao tiêu với giá bán cao hơn so với bán ngoài thị trường (tùy từng loại chè) nên có thể nói đầu ra của sản phẩm chè của Tổ hợp tác là tương đối ổn định. Thu nhập trung bình của các thành viên trong Tổ đều đạt 35 triệu đồng/người/năm.

 

Có thể nói, nhờ không ngừng học hỏi, nỗ lực trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân xóm Đồng Kiệm đã không ngừng được nâng cao. Nếu như năm 2012, thu nhập của bà con nơi đây chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên 25 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 4 hộ (năm 2012 là 7 hộ). Năm 2015, nhân dân trong xóm đã vinh dự được đón Bằng công nhận Làng nghề chè truyền thống do UBND tỉnh trao tặng, từ đó góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc trồng, chăm sóc, chế biến chè, đưa sản phẩm chè của Đồng Kiệm ngày càng được nhiều người biết đến.