Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ

09:27, 21/03/2017

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, Thái Nguyên hiện có gần 600 nghìn con lợn và trên 10 triệu con gia cầm. Theo đó, toàn tỉnh có hơn 600 trang trại chăn nuôi lợn và gà. Tổng đàn vật nuôi của các trang trại này chiếm khoảng 20 đến 30% đàn vật nuôi của tỉnh. Thực tế này cho thấy, chăn nuôi nông hộ vẫn đang chiếm đa số trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh.

Chăn nuôi nông hộ là hình thức chăn nuôi truyền thống phổ biến mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nông dân; tạo ra nguồn thực phẩm chính cho thị trường; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, dễ áp dụng, tận dụng được các nguồn nguyên liệu và phế, phụ phẩm sẵn có… Ông Lăng Văn Teo, xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho biết: Chăn nuôi nông hộ rất phù hợp với những nông dân ít vốn như gia đình tôi. Chúng tôi có thể tận dụng được các thức ăn thừa và phụ phẩm trong nông nghiệp như khoai lang, ngô, đậu tương, rơm, rạ… để chăn nuôi, giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư. Đặc biệt, sau mỗi lứa chăn nuôi, chúng tôi cũng có một khoản tiền kha khá. Trung bình mỗi năm gia đình tôi nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa nuôi khoảng 20 con lợn, thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chăn nuôi nông hộ cũng rất phù hợp với các gia đình làm nghề xay xát hoặc nấu rượu. Bà Nguyễn Thị Nụ, xóm Tam Thái, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) nói: Tận dụng cám gạo, cám ngô và bỗng rượu làm thức ăn chăn nuôi giúp lợn mau lớn, chất lượng thịt đảm bảo, giá bán cao hơn so với lợn nuôi theo hình thức bán công nghiệp.

 

Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ còn góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trên địa bàn tỉnh. Ưu điểm của chăn nuôi nông hộ ngoài tận dụng được sức lao động, cơ sở vật chất sẵn có như mặt bằng chuồng trại… còn rất phù hợp với trình độ của người dân. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chăn nuôi nông hộ không đòi hỏi kỹ thuật cao nên các hộ dân đều có thể áp dụng được.

 

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế khá nhưng thời gian vừa qua, do giá thức ăn tăng cao; đầu ra của sản phẩm không ổn định, nhất là với sản phẩm lợn thịt (cuối năm 2016, giá bán lợn hơi xuống thấp nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây); nhiều dịch bệnh có nguy cơ xuất hiện nên nhiều hộ chăn nuôi đã thu hẹp quy mô hoặc bỏ trống chuồng, ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế ở nông thôn. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay: Nhược điểm của chăn nuôi nông hộ là bà con hay chạy theo phong trào, khi thì bỏ chuồng hàng loạt, lúc lại ồ ạt tái đàn, dẫn đến cung vượt quá cầu và bị ép giá. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi ở các hộ nông dân vẫn chưa được chú trọng nên năng suất, hiệu quả chưa cao.

 

Cùng với đó thì việc phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại cũng chưa được nông hộ quan tâm nhiều nên dễ xảy ra nguy cơ lây lan và phát sinh bệnh tật trên đàn vật nuôi. Đặc biệt, sự liên kết chăn nuôi nông hộ hầu như chưa được triển khai, do vậy việc tham gia thị trường “đầu vào, đầu ra” cho sản phẩm còn hạn chế, khiến người chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ và giảm thu nhập do phí tổn vào các khâu trung gian.

 

Theo dự báo, những năm tới, chăn nuôi nông hộ vẫn đang tiếp tục tồn tại và phát triển trên địa bàn tỉnh. Trong chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, chăn nuôi nông hộ được khuyến khích giảm dần chứ chưa yêu cầu chấm dứt. Bởi vậy, để chăn nuôi nông hộ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, nhiều năm nay, tỉnh ta đã có các cơ chế chính sách hỗ trợ bà con. Riêng năm 2017, tỉnh sẽ hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng cho hộ chăn nuôi. Cụ thể, hỗ trợ 100% giá mua giống thụ tinh nhân tạo lợn, bò; 50 nghìn liều thụ tinh nhân tạo để giúp các nông hộ tại huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công nâng cao chất lượng đàn lợn; 5 nghìn liều tinh bò lai Zebu sản xuất trong nước và 1 nghìn liều tinh trâu nhằm giúp nông dân nâng cao chất lượng đàn trâu, bò trong tỉnh; đào tạo tập huấn mạng lưới cung ứng tinh vật nuôi... Ngoài ra, tỉnh còn gắn Chương trình Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với việc hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Qua đó, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ tiêm phòng các loại vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi; được cấp phát hoá chất phun tiêu độc, khử trùng bảo vệ chuồng trại…

 

Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, các hộ chăn nuôi cũng cần tuân thủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tránh được rủi ro cho gia đình mình và các hộ chăn nuôi lân cận. Đồng thời, có ý thức chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi có kiểm soát, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn;  thực hiện các biện pháp về an toàn sinh học và áp dụng các biện pháp kỹ thuật về giống, thức ăn, xử lý môi trường để có thể đảm bảo tính hiệu quả trong chăn nuôi.