Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

15:43, 31/03/2017

Nông nghiệp chiếm trên 90% trong cơ cấu kinh tế của huyện Đại Từ. Chính vì thế, muốn nâng cao đời sống cho người dân thì phải nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhận thức rõ điều này, huyện Đại Từ đã có nhiều giải pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi, đồng thời từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật

 

Xác định vai trò quan trọng của khoa học kỹ thuật nên thời gian qua, huyện Đại Từ đã tích cực áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi bằng việc sử dụng rộng rãi các giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, bà con địa phương đã áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, tăng diện tích canh tác lúa, ngô cao sản. Bên cạnh đó, huyện tăng cường tuyên truyền và đưa các mô hình khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng, mô hình sản xuất mới, năng suất chất lượng cao trên đồng ruộng nhằm lựa chọn những giống cây phù hợp, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất. Một trong những mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật được xem là thành công là sản xuất rau an toàn tại thị trấn Hùng Sơn.

 

Ông Trương Văn Hoạch, Trưởng xóm Xuân Đài cho biết: Người dân Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn trồng rau từ nhiều năm nay, song trồng rau theo quy trình VietGAP thì mới áp dụng từ năm 2012 tới nay. Ban đầu là 30 hộ tham gia, sau một thời gian, mô hình này đã khẳng định được hiệu quả. Cụ thể là, năng suất cao và ổn định hơn so với trồng theo cách truyền thống, bởi trước đây bà con thường bón các loại phân chuồng trực tiếp cho rau nên rau thường bị nhiễm bệnh, phổ biến là nấm. Nhưng trồng theo quy trình VietGAP thì phải ủ phân trước khi bón hoặc sử dụng các loại phân vi sinh, nên không còn xảy ra tình trạng rau nhiễm bệnh diện rộng như trước. Thêm vào đó, giá bán rau an toàn lại cao hơn, do đó hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn trồng rau truyền thống. Đến nay, thị trấn Hùng Sơn đã có hơn 130 hộ dân tham gia sản xuất rau theo quy trình VietGap với diện tích hơn 4ha tại xóm Xuân Đài, Đồng Cả, tổ dân phố Cầu Thành 1.

 

Để nhân rộng các mô hình, dự án, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng thông qua các lớp đào tạo nghề cho nông dân, qua đó người dân đã dần thay đổi nhận thức tập quán sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, góp phần đưa năng suất cây trồng ngày càng được nâng cao. Sản lượng lương thực bình quân hằng năm đều vượt mục tiêu đề ra với trên 73.000 tấn. Huyện phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có trên 50% diện tích lúa được gieo cấy bằng các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, các giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Đồng thời tiếp tục lựa chọn và đưa các giống ngô lai có năng suất chất lượng cao, thích ứng với đồng ruộng vào sản xuất.

 

Tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa

 

Nhìn lại nền sản xuất nông nghiệp của huyện Đại Từ nhiều năm trước, có thể thấy, mặc dù sản lượng lương thực của huyện vẫn tăng đều qua các năm, nhưng vẫn chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, không mang tính hàng hóa. Vì vậy, thời gian gần đây, huyện Đại Từ đang tập trung mạnh vào việc kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung. Muốn hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trước tiên phải xác định được loại cây trồng mũi nhọn. Muốn xác định được loại cây trồng mũi nhọn phải căn cứ vào điều kiện đất đai, thủy lợi, địa hình và không thể bỏ qua yếu tố con người. Trên cơ sở những mô hình sản xuất hiệu quả, huyện đã có sự hỗ trợ về mọi mặt để bà con phát triển thành những vùng sản xuất. Nhất là trong phát triển rau màu, việc đưa các loại cây có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất như củ đậu, dưa hấu, dưa chuột bao tử, cà chua, khoai tây, các loại rau chất lượng cao… đã dần hình thành một số vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

Tiêu biểu như xã Bản Ngoại, đa số người dân trong xã đều làm nông nghiệp với tổng diện tích trên 1.200ha. Bà con đã biết tập trung vào những loại cây trồng mũi nhọn như: dưa hấu, củ đậu, dưa chuột bao tử… với tổng diện tích lên đến 325ha, đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Bình quân thu nhập mỗi ha đất ở đây đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, nhiều diện tích đạt đến 270 triệu đồng/ha.

 

Bên cạnh đó, có thể kể đến Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Trung Na, xã Tiên Hội gồm 11 thành viên góp vốn. Trên diện tích đất rộng trên 4ha, các thành viên đã đầu tư làm nhà kính, xây dựng hệ thống tưới, làm giàn… để trồng các loại rau, cà chua, bắp cải, dưa chuột… Nhờ sản xuất với số lượng lớn, lại áp dụng quy trình VietGAP nên Hợp tác xã đã ký kết được với các đơn vị bao tiêu toàn bộ đầu ra cho các sản phẩm rau màu.

 

Việc hình thành nên các vùng sản xuất tập trung không những tạo thuận lợi cho nông dân trong việc gieo trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, hơn hết là nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản tạo sự liên kết "4 nhà", đặc biệt thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất.