Nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất

10:12, 21/03/2017

Trong hai tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện Đồng Hỷ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tích cực, linh hoạt trong sản xuất, cải tiến công nghệ, tìm kiếm bạn hàng mới...  

Năm 2017, huyện Đồng Hỷ phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đạt 3.100 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt 699 tỷ đồng. Trong 2 tháng vừa qua, toàn huyện đã đạt trên 500 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất CN-TTCN địa phương đạt 101 tỷ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm.

Theo nhận định của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Hỷ, trong những tháng đầu năm nay, các DN trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Mặc dù vậy, các DN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

 

Đến Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn, chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua lao động của tập thể cán bộ, công nhân viên ở đây để hoàn thành tốt kế hoạch quý I. Ông Nguyễn Phương Ngọc, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2017, Công ty lập kế hoạch sản xuất trên 3.000.000 tấn clinker và xi măng các loại; doanh thu đạt trên 1 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách trên 39 tỷ đồng. Trước những khó khăn nêu trên, trong năm nay, chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả SXKD. Trong đó, công tác tiêu thụ sản phẩm được ưu tiên số 1. Để hoàn thành mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt trên 1.250.000 tấn, chúng tôi đã có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tái thực hiện hợp đồng với khách hàng triển khai các dự án; tiếp tục duy trì địa bàn tiêu thụ chiến lược tại 12 tỉnh phía Bắc, trong đó chú trọng quy hoạch lại và mở rộng hệ thống phân phối. Đẩy mạnh bán sản phẩm xi măng chuyên dụng xây trát C91 để cạnh tranh với các sản phẩm xi măng giá thấp trên thị trường. Đối với sản xuất, chúng tôi sẽ thực hiện những giải pháp để không xảy ra sự cố về thiết bị, bảo đảm duy trì sản xuất ổn định, sản phẩm đạt chất lượng tốt, đảm bảo về sản lượng, tiến độ, giảm chi phí, an toàn vệ sinh môi trường. Với những nỗ lực kể trên, tính đến hết tháng 2, Công ty đã sản xuất được trên 65 nghìn tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 87 tỷ đồng, bảo đảm mức lương bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Tuy chưa có bề dày kinh nghiệm nhưng Công ty cổ phần (CP) May thời trang DG Việt Nam (trụ sở tại xã Nam Hòa, mới đi vào hoạt động từ quý IV/2016) cũng đang nỗ lực ổn định sản xuất, vươn lên tìm chỗ đứng trên thị trường. Được biết, Công ty có quy mô 28 dây chuyền may với trên 1.000 công nhân. Ở giai đoạn 1 hiện nay, Công ty đã xây dựng nhà xưởng trên diện tích 8.000m2 với 6 dây chuyền may, quy mô 300 công nhân. Tại thời điểm tháng 3 này, Công ty đã có trên 100 công nhân vừa làm việc, vừa được đào tạo nghề. Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty cho biết: Với mục tiêu sản xuất gia công cho các hãng thời trang nước ngoài, chúng tôi đã đầu tư nhà xưởng, điều kiện làm việc của công nhân đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tại xã Nam Hòa và các khu vực lân cận, người dân hầu hết chưa có tay nghề trong ngành may, vì thế chúng tôi đều phải đào tạo công nhân từ đầu. Tuy còn trong giai đoạn học nghề, nhưng mỗi công nhân chúng tôi đều hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng và bữa ăn trưa miễn phí, để họ yên tâm làm việc. Theo dự kiến, năm 2017 này chúng tôi sẽ tuyển dụng và thu hút được đủ 300 công nhân để lấp đầy 6 dây chuyền may đã lắp đặt. Khi đó, mỗi tháng chúng tôi sẽ sản xuất trung bình 200 nghìn sản phẩm và lương công nhân ở mức trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có hơn 230 DN, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Cũng như 2 đơn vị kể trên, ngay từ đầu năm nay, các DN hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn đều chủ động thực hiện nhiều  giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho người lao động.

 

Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy CN-TTCN trên địa bàn huyện phát triển, ông Phạm Kiều Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho biết: Những tháng tiếp theo, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm duy trì giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh của các DN hiện có, thu hút và phát triển thêm các DN tiềm năng. Đồng thời làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất kinh doanh. Trong đó, tiếp tục tập trung quan tâm tạo điều kiện phát triển các nhóm ngành, sản phẩm có thế mạnh, như: Sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất các sản phẩm chè…