Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

11:03, 24/03/2017

Những năm gần đây, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ngày càng phát huy vai trò tích cực, góp phần quan trọng thực hiện tôt các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự nỗ lực của hệ thống Ngân hàng CSXH, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã vào cuộc tích cực nhằm đảm bảo nguồn vốn ưu đãi phát huy hiệu quả cao nhất.

Gia đình bà Tạ Thị Nga ở xóm Ao Trám, xã Động Đạt (Phú Lương), vốn có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng mất sớm, một mình bà xoay xở, vất vả nuôi 4 người con ăn học. Năm 2010, đang lúc khó khăn nhất, gia đình bà Nga được Tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) của xóm bình xét để được vay 15 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Lương. Từ số tiền này, bà đầu tư nuôi lợn, tích cóp tiền lãi để mua bò sinh sản, mở rộng diện tích trồng chè và trồng rừng. Ngoài ra, bà cũng được vay vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên để các con theo học đại học. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ban đầu cùng với sự nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, gia đình đã thoát nghèo, xây được nhà mới, nuôi 6 con bò sinh sản, trồng 3ha rừng và chè. Hai người con lớn của bà Nga đã có việc làm với mức thu nhập khá sau khi học xong đại học. Bà Nga chia sẻ mộc mạc: Nếu không có nguồn vốn ưu đãi này thì không biết gia đình tôi còn khó khăn đến bao giờ.

 

Cũng ở xã Động Đạt, gia đình ông Ma Xuân Dương (xóm Ao Sen) vốn cũng rất khó khăn vì thiếu đất sản xuất và bản thân ông đau ốm thường xuyên. Dù gia đình ông hiện vẫn đang phải ở trong căn nhà cũ nát nhưng điều kiện kinh tế đã khá hơn rất nhiều so với vài năm trước. Đặc biệt là cả 3 cô con gái của ông bà đều chăm ngoan, học giỏi, trong đó 2 người con lớn sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi đã tìm được việc làm tốt. Kể về quá trình vượt khó, ông Dương nhắc lại nhiều lần tác dụng của các nguồn vốn ưu đãi đối với gia đình mình: Điều kiện quá chật vật, có lúc vợ chồng tôi tưởng không thể nuôi nổi các cháu theo học đại học, rất may là gia đình được vay chương trình ưu đãi học sinh, sinh viên. Năm ngoái, tôi được vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo để đầu tư nuôi thỏ. Từ 50 con thỏ nái ban đầu, đến nay đàn thỏ phát triển lên gần 1.000 con, đầu ra thuận lợi bởi thương lái đến tận nhà thu mua…

 

Gia đình bà Tạ Thị Nga và ông Ma Xuân Dương chỉ là 2 trong số gần 11.000 hộ dân trên dịa bàn huyện Phú Lương hiện có dư nợ tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện (với 13 chương trình cho vay ưu đãi, tổng dư nợ hiện đạt trên 342 tỷ đồng). Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Lương khẳng định, các chương trình tín dụng ưu đãi đang thực hiện trên địa bàn đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng khó khăn (năm qua, huyện Phú Lương giảm được trên 2% hộ nghèo, tạo việc làm mới cho 1.800 lao động).

 

Tại huyện Định Hóa, một trong các địa phương khó khăn nhất tỉnh, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH cũng đang phát huy hiệu quả ngày càng rõ nét. Theo ông Ma Đình Lương, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Định Hóa, tổng dư nợ 13 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn hiện đạt 410 tỷ đồng, với trên 13.000 khách hàng còn dư nợ (riêng chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 35,25% dư nợ). Đại đa số các đối tượng được vay đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, trả gốc và lãi đúng hạn, số nợ xấu hiện chỉ chiếm 0,06% tổng dư nợ. Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn là vai trò của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác ngày càng được phát huy tốt. Phòng Giao dịch duy trì giao ban định kỳ với các tổ chức hội, đoàn thể, nhằm kịp thời nắm bắt những tồn tại, hạn chế qua đó tìm nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hoạt động ủy thác tại cơ sở.

 

Cũng theo ông Ma Đình Lương, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Định Hóa đã vào cuộc tích cực, trách nhiệm hơn, góp phần quan trọng để nguồn vốn ưu đãi được giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng. Nói về điều này, ông Sằm Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng (Định Hóa) cho biết: Lãnh đạo xã thường xuyên giám sát, chỉ đạo sát sao đối với 4 tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, phát huy vai trò của 17 tổ TKVV; đồng thời quan tâm bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn nhanh chóng, chính xác. Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần rất quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trong xã. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 37% năm 2011 xuống còn 18% theo tiêu chí mới hiện nay, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018…

 

Những minh chứng trên đây phần nào cho thấy tác dụng lớn của các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH, sự vào cuộc của cả hệ thộng chính trị để tạo “kênh dẫn” thuận lợi cho nguồn vốn này phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thông tin: Hiện tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.800 tỷ đồng, với trên 91.000 hộ dư nợ. Quy mô và chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên (nợ xấu hiện chỉ chiếm 0,06%). Không những phát huy hiệu quả về kinh tế, các chương trình tín dụng ưu đãi cho thấy hiệu quả lớn về mặt xã hội. Đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, quy chế dân chủ, công khai ở cơ sở, trở thành một nguồn động lực về tinh thần giúp các đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống./